Hương Mùi Qua Mấy Nẻo Đường.

Tác giả: Tống Văn Thụy

Ký ức từ những chuyến đi nhiều khi không chỉ đóng khung nơi phong cảnh mình đến, mấy điểm tham quan, những người đã gặp mà còn lan tỏa đến tận cùng mọi giác quan, làm thành dư vị khó quên.

Người bạn quê miền Trung lần đầu tiên đi Sapa trong gió mùa Đông Bắc đang tràn về, anh nhớ mãi cái rét len lỏi qua từng lớp áo, cảnh phụ nữ người Dao đầu quấn khăn đỏ thấp thoáng trong sương , tháp nhà thờ thoắt ẩn, thoắt hiện cùng mây và lạ thay anh cứ vương vấn hoài cái mùi hình như là ẩm mốc của mùa đông dài Sapa. Cái mùi mơ hồ và kỳ lạ ấy thoang thoảng nơi quán ăn Mimosa rất dễ thương nằm khuất bên trong con đường chính đưa vào phố núi. Ngay khách sạn Victoria Sapa, bếp lửa có bập bùng nơi lò sưởi  góc sảnh tiếp tân, các phòng ngủ, từng góc khuất được chăm chút, khử mùi, vẫn như phảng phất cái mùi lưu cửu ấy. Sapa vì thế mà gần với Huế qua cảm nhận từ khứu giác. Vẫn cái mùi vừa lạ vừa thân rất Huế ấy sau những ngày mưa dầm dai dẳng, qua những cơn mưa phùn lâm thâm dùng dằng chờ đón nắng xuân sang.  

Nhớ lần đầu tiên thăm Phú Quốc, khi chiếc máy bay ATR cất cánh, rời phi trường Dương Đông. Qua khung cửa, nhìn xuống hòn đảo phía Nam Tổ quốc mà người xưa gọi là:” bức bình phong ở ngoài khơi”, tôi đã nhớ Phú Quốc bằng mũi. Từ mùi cá tươi vừa đánh bắt trên những con tàu sơn xanh neo ở cảng  An Thới, mùi cá phơi khô nồng nàn trên đoạn đường đất đỏ ven biển từ Ghềnh Dầu nối thị trấn Dương Đông, mùi nước mắm tỏa ra từ những “ nóc gia”( thùng gỗ đựng nước mắm có hình dáng tương tự như những thùng rượu vang bằng gỗ sồi) của các “nhà thùng”( cơ sở sản xuất nước mắm), mùi hồ tiêu đang phơi ở Khu Tượng, cả mùi thơm của xiên ốc nướng nơi quán Ái Xiêm nhìn ra biển, tất cả như hòa quyện vào mùi vị của biển cả. Đến Phú Quốc để thấy biển- trời phương nam màu ngọc bích hào phóng, quảng đại và bao dung.

Bạn hỏi tôi:” Đi Châu Đốc về nhớ gi?” Tôi quên cảnh kẹt xe ở Bắc Vàm Cống, chỉ nhớ hàng đoàn người lũ lượt mang lễ vật vào viếng Bà Chúa Xứ trong cái nóng nung người, cái không khí trang nghiêm nơi lăng vị Khai quốc công thần Thoại Ngọc Hầu. Và nhớ lắm mùi mắm. Đêm. Đi trong khu phố người Hoa đèn tù mù, từa tựa phố Gia Hội, Huế, phố cổ Hội An trước khi du khách đổ xô đến, chợt nghe mùi mắm. Quái! Giờ nầy chợ Châu Đốc đã ngủ. Khứu giác có nhầm lẫn giữa mùi và nỗi bận lòng về mấy hũ mắm trèn, mắm thái, mắm cá lóc… mà người bạn cố tri đã dặn mua giúp trước khi xuống Châu Đốc. Mắm và mùi ám ảnh bạn và tôi đến thế sao?

Du khách phương Tây lên thăm Tây Nguyên rất thích thú trước cảnh từng rẫy cà phê chạy sát vệ đường hoặc tiếp nối chập chùng bên trong quốc lộ, xa xa phong cảnh đồi núi màu lam nhấp nhô. Mùa xuân hoa cà phê lấm tấm trắng như những bông tuyết tỏa hương nhè nhẹ tựa hoa nhài. Về khuya mùi càng nồng nàn, liêu trai khiến lòng dễ         mộng mị. Vậy bạn sẽ chọn hương hoa cà phê trong rẫy vắng hay hương vị tách cà phê đen nóng nơi quán Tùng bên khu Hòa Bình gần chợ Đà Lạt?

Hà Nội mùa thu đối với tôi một đôi lần là thời gian nghỉ ngơi giữa hai chuyến đi. Được vài ngày “ sống chậm”, đi loanh quanh đây đó và nhìn bâng quơ Hà Nội. Có lần đang đi dọc phố Phan Chu Trinh, khoảng gần Viện Khảo Cổ, tự nhiên thấy thoang thoảng  mùi… bánh nướng. Tôi đang đi ngang Maison Vanille chuyên bánh ngọt truyền thống Pháp nên dừng chân mua mấy cái bánh sừng trâu(croissant), mùi bánh thơm trong thoáng heo may Hà Nội gợi nhớ cái tiệm bánh mang tên rất Tây ở Huế trước đây, tiệm  Chaffanjon ở tầng trệt Trung Tâm Sinh Viên Xavier, nhìn sang Đài Truyền Hình. Ở đó, những chiếc pâtés chauds, croissants…ngon quá thể đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ sinh viên rong chơi lãng đãng với tất cả mà gần gũi với nhân vật Bác sĩ Jivago, Omar Sharif sắm vai trong cuốn phim phóng tác từ truyện dài cùng tên của B. Pasternak.  Một phim “để đời”. Ngày nay, rất nhiều người Huế  từ nhiều quỹ đạo, nhiều phương trời khác nhau nhắc đến cái thuở ban đầu sinh viên ấy, biết ai còn nhớ đến mùi bánh Chaffanjon đầy nhân bản ngày nào?

Có lần trên đường chạy lũ Tây Bắc, dừng chân bên mái hiên nhà sàn ở Phố Ràng, Lào Cai, trên quốc lộ 70, ngoài kia sông Chảy cuồn cuộn như muốn cuốn phăng tất cả, tôi thấy ấm lòng trong mùi hương củ hoài sơn, một loại cây thuốc vùng cao mà gia đình người Hmong cho chúng tôi tá túc đang sấy dở dang trong lò. Trưa ấy, chúng tôi được chủ nhà tốt bụng mời một bữa cơm qua đường nhớ đời trong mùi hương hoài sơn thanh khiết phảng phất vị thuốc bắc.  Ngoài kia mưa không ngớt nhưng chúng tôi có thể an tâm lên đường về Hà Nội.

Nếu được chọn lựa một cung đường trên quốc lộ 1 để nhớ mãi một mùi hương, tôi sẽ chọn con đường từ Huế đi Lăng Cô, đoạn chạy ngang Thừa Lưu- Cầu Hai. Bạn sẽ thấy hai bên đường nào dù, bảng hiệu, tủ bàn lỉnh kỉnh những chai cùng lọ giới thiệu một đặc sản địa phương: dầu tràm. Những năm tháng khó khăn, dầu tràm đựng trong chai nhựa. Bây giờ thì “ công nghiệp” hơn trong những chai thủy tinh với thương hiệu riêng. Dầu tràm màu vàng, phảng phất mùi oải hương tuy nồng nàn và nước đặc quánh  hơn. Tôi  thích tập bút ký” Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” của Ngô Thị Giáng Uyên, thích những cánh đồng oải hương cao lúp xúp tím cả trời chiều Provence, mê những túi vải xinh xắn đựng oải hương khô để làm quà cho người thân nhưng chức năng một lọ tinh dầu oải hương ( essence de lavandin) không đa dạng như chai dầu tràm. Đối với khá đông người Huế, chai dầu tràm theo chân họ từ khi chào đời, phòng những lúc trái gió trở trời đến khi ở cữ, sinh con, về già. Trong nhiều gia đình Huế  xưa, có những ve dầu tràm luân lưu qua nhiều thế hệ, cầm chai dầu tràm chợt nhớ lại hình ảnh của Bà, của Mẹ, của chị đã không còn nữa…Bây giờ dầu tràm sản xuất đại trà nên hương mùi đã bay đi ít nhiều, kể cả dầu tràm do các tu sĩ ở Đan viện Thiên An Huế sản xuất.

Nhớ lần về Cần Thơ, đêm đi ăn tối nhà hàng Nam Bộ nhìn ra bến Ninh Kiều, khi đi ngang cửa hàng trái cây nhằm lúc chủ nhân bổ quả sầu riêng, mùi thơm tỏa ra  làm xao xuyến mọi người, nhất là khách phương Tây. Hãy nghe H. Mouhot, nhà tự nhiên học người Pháp, người đã mở một cánh cửa kỳ quan Đế Thiên- Đế Thích ở Campuchia cho thế giới năm 1860, cảm nhận về mùi hương:” Để thưởng thức quả sầu riêng, loại trái cây vua, trong một thoáng, bạn phải vượt qua mùi thú vật đã thối rửa. Sau đó, bạn sẽ cảm nhận hương vị trên cả tuyệt vời từ chất kem màu trắng của múi sầu riêng” ( Dẫn lại. Nadine Delpech. Deux enfants sur le Mekong). Nhớ mùi sầu riêng là nhớ chợ Bình Tây, nhớ sông nước miệt vườn dù cây sầu riêng vẫn có mặt ở Đại Bường, phía Tây Quảng Nam.

Hương mùi qua mấy nẻo đường đọng lại thành mùi kỷ niệm như hôm nào bước vào vườn xưa thoáng gặp mùi hương mong manh từng chùm hoa trắng nhỏ li ti của cây trâm nơi cuối vườn, nhớ lại một hình bóng cũ. Mùi hương trở thành vĩnh cửu.

{jcomments on}

9 thoughts on “Hương Mùi Qua Mấy Nẻo Đường.

  1. Hải Tâm

    Xin chào bạn Tống Văn Thụy;

    Một bài viết ngắn mà biểu cảm, đầy hương vị, sắc màu và cả hình ảnh nữa. Và độc giả, như tôi; đặc biệt thích thú với 2 chữ “hương mùi”, một cảm nhận rất riêng có và độc đáo qua một “lòng vòng rất dễ thương” trên toàn cõi Việt Nam.

    Cảm ơn bạn khi đọc những giòng này, vì dường như; chỉ những ai ở khá lâu tại Huế mới nhớ đến tiệm bánh Chaffanjon và cái mùi “để đời: của Bánh croissant và Paté Chaud: “Tôi đang đi ngang Maison Vanille chuyên bánh ngọt truyền thống Pháp nên dừng chân mua mấy cái bánh sừng trâu(croissant), mùi bánh thơm trong thoáng heo may Hà Nội gợi nhớ cái tiệm bánh mang tên rất Tây ở Huế trước đây, tiệm Chaffanjon ở tầng trệt Trung Tâm Sinh Viên Xavier, nhìn sang Đài Truyền Hình. Ở đó, những chiếc pâtés chauds, croissants…ngon quá thể đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ sinh viên rong chơi lãng đãng với tất cả mà gần gũi với nhân vật Bác sĩ Jivago, Omar Sharif sắm vai trong cuốn phim phóng tác từ truyện dài cùng tên của B. Pasternak. Một phim “để đời”. Ngày nay, rất nhiều người Huế từ nhiều quỹ đạo, nhiều phương trời khác nhau nhắc đến cái thuở ban đầu sinh viên ấy, biết ai còn nhớ đến mùi bánh Chaffanjon đầy nhân bản ngày nào”

    Cảm ơn tác giả 🙂 😆

    Reply
  2. R.Xưa

    HƯƠNG MÙI QUA MẤY NẺO ĐƯỜNG

    đường khuya chân bước muộn màng
    giật mình bỗng thấy lan man giữa trời
    gần xa tìm kiếm nụ cười
    quanh đi quẫn lại nhớ thời yêu thương
    lất lây tìm chút mùi hương
    đâu nhan sắc cũ thơm lừng chiêm bao
    mấy mùa sương khói hư hao
    chênh vênh mộng mị nơi nào thực hư
    ngửa tay đếm lá tương tư
    nghìn thương nhớ đó hình như thấm buồn
    hương mùi qua những nẻo đường
    là hương son sắt của vầng trăng xưa

    Reply
  3. Quốc Tuyên.

    Nếu được chọn lựa một cung đường trên quốc lộ 1 để nhớ mãi một mùi hương, tôi sẽ chọn con đường từ Huế đi Lăng Cô, đoạn chạy ngang Thừa Lưu- Cầu Hai. Bạn sẽ thấy hai bên đường nào dù, bảng hiệu, tủ bàn lỉnh kỉnh những chai cùng lọ giới thiệu một đặc sản địa phương: dầu tràm. Những năm tháng khó khăn, dầu tràm đựng trong chai nhựa. Bây giờ thì “ công nghiệp” hơn trong những chai thủy tinh với thương hiệu riêng. Dầu tràm màu vàng, phảng phất mùi oải hương tuy nồng nàn và nước đặc quánh hơn. Tôi thích tập bút ký” Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” của Ngô Thị Giáng Uyên, thích những cánh đồng oải hương cao lúp xúp tím cả trời chiều Provence, mê những túi vải xinh xắn đựng oải hương khô để làm quà cho người thân nhưng chức năng một lọ tinh dầu oải hương ( essence de lavandin) không đa dạng như chai dầu tràm. Đối với khá đông người Huế, chai dầu tràm theo chân họ từ khi chào đời, phòng những lúc trái gió trở trời đến khi ở cữ, sinh con, về già. Trong nhiều gia đình Huế xưa, có những ve dầu tràm luân lưu qua nhiều thế hệ, cầm chai dầu tràm chợt nhớ lại hình ảnh của Bà, của Mẹ, của chị đã không còn nữa…Bây giờ dầu tràm sản xuất đại trà nên hương mùi đã bay đi ít nhiều, kể cả dầu tràm do các tu sĩ ở Đan viện Thiên An Huế sản xuất.

    Cám ơn anh Tống Văn Thụy đã gợi nhớ mùi dầu tràm đặc biệt của Huế xưa. Bài viết hay quá, hương mùi đã thấm qua những nẻo đường anh đã ghé đến.

    Reply
    1. le sinh

      Bây giờ chúng ta PHẢI về…hiu và tiếc nhớ những cung đường tour,tuyến cũ vì tuổi hình như đã trăng tà bóng xế với hoài niệm của hơn 20 năm làm guide.
      Bài viết của TVT đi vòng quanh một vòng đất nước khá hay !
      Sinh.lê

      Reply
  4. emtaysonthuong

    Anh Thụy đi khắp nẻo đường đất nước mà sao không ghé TâySơnThượng vùng nầy có mùi sim tím đặc biệt nhứt nước đó.

    Reply
  5. Phan Mạnh Thu

    “Hương mùi qua mấy nẻo đường đọng lại thành mùi kỷ niệm như hôm nào bước vào vườn xưa thoáng gặp mùi hương mong manh từng chùm hoa trắng nhỏ li ti của cây trâm nơi cuối vườn, nhớ lại một hình bóng cũ. Mùi hương trở thành vĩnh cửu.”

    Bài viết hay đầy cảm xúc và thấm đẫm những mùi hương.

    Reply
  6. Thu Thủy

    Nhớ lần về Cần Thơ, đêm đi ăn tối nhà hàng Nam Bộ nhìn ra bến Ninh Kiều, khi đi ngang cửa hàng trái cây nhằm lúc chủ nhân bổ quả sầu riêng, mùi thơm tỏa ra làm xao xuyến mọi người, nhất là khách phương Tây. Hãy nghe H. Mouhot, nhà tự nhiên học người Pháp, người đã mở một cánh cửa kỳ quan Đế Thiên- Đế Thích ở Campuchia cho thế giới năm 1860, cảm nhận về mùi hương:” Để thưởng thức quả sầu riêng, loại trái cây vua, trong một thoáng, bạn phải vượt qua mùi thú vật đã thối rửa. Sau đó, bạn sẽ cảm nhận hương vị trên cả tuyệt vời từ chất kem màu trắng của múi sầu riêng” ( Dẫn lại. Nadine Delpech. Deux enfants sur le Mekong). Nhớ mùi sầu riêng là nhớ chợ Bình Tây, nhớ sông nước miệt vườn dù cây sầu riêng vẫn có mặt ở Đại Bường, phía Tây Quảng Nam.

    Cám ơn anh Tống Văn Thụy, mỗi cung đường anh đã giới thiệu những đặc sản quen thuộc của nơi ấy thật thú vị. Có lẽ anh Thụy và anh Huy Uyên là nhưng hướng dẫn viên du lịch sáng giá. anh

    Reply
  7. Tống Văn Thụy

    Thật cảm động về những nhận xét của các bạn.Rất ấm lòng dù đang là mùa đông.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.