Ông già “Khốt-ta-bít” của thế kỷ 20

Tôi đọc được điều này trong lá thư của bác Quách Tấn gửi cho ba tôi-nhà thơ Yến Lan: “Những chuyện về cuộc đời của chú nên kể lại cho các cháu, giờ chúng ta thấy nó không là gì nhưng sau này là vàng đó…” Có lẽ vì thế nên tôi đã được nghe; và những mẫu chuyện về cha tôi đã được lần lượt giới thiệu với bạn đọc trước đây như: “Bà nội tôi, Tuổi thơ của cha, Giao trứng cho ác v.v… “  

Đấy là những mẫu chuyện mà khi ba tôi chưa thuộc người của nhà nước. Vì có những đóng góp cho cuộc cách mạng và kháng chiến cứu quốc, ông được nhà nước cho ra Bắc, và ông trở thành nhà thơ của xã hội-Xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, ông là người vừa mang phong cách truyền thống lại pha hiện đại, ông sống rất chuẩn mực, kỷ cương; luôn chấp hành đúng pháp luật và dạy con sống theo vậy. Ông nghiêm khắc với con nhưng cũng nghiêm khắc với chính mình. Tôi có cảm giác ông giống nhân vật “Gia-ve” trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Vích-to-huy-gô mà tôi đã đọc được.

Về mặt quá nghiêm khắc với con, tôi không đồng ý với ông tí nào, vì tôi là con gái, song, đâu dám cải, bởi ông rất gia trưởng và uy quyền lắm. Ông biết sử dụng “cái uy quyền” của một người cha mà áp đặt con cái phải làm như thế này, phải làm như thế nọ. Do đó, nhiều khi ông trở nên cổ hủ, lạc hậu so với thời đại hàng chục năm là chắc! Thầm nghĩ, nếu còn sống đến giờ, không biết ông sẽ xử sự ra sao, với những tình huống hàng ngày, trên màn ảnh nhỏ, phim, ảnh Tây, Tàu, ta, nhan nhản cảnh hôn nhau giữa đám đông; cảnh các cô gái mặc lòi cả rốn, hở hơn ½ ngực để quyến rũ giới đàn ông… Mà nói thật lòng, trông cũng ngon mắt đấy chứ. Chương trình quảng cáo thì không vì mục đích giáo dục mà vì mục đích kinh tế, luôn hướng thanh thiếu niên sống sao cho sành điệu; tán dương những điều không cần thiết đối với bọn trẻ về các loại mỹ phẩm làm đẹp, về cách làm trắng da, mượt tóc; về các loại xi líp bó sát người v.v…  

Chao ôi, nhớ lại, thời trẻ của mình, tôi mới thấy sao ông già khắc khe với con đến thế! Ngày chị em tôi tuổi mười chín, đôi mươi, có nhiều chàng trai cũng muốn làm quen, còn chúng tôi cũng khoái làm đẹp, vì thế khi ra phố, lén trộm phấn, son của mẹ bôi bôi, quệt quệt cho môi đo đỏ, cho má hồng hồng tí tẹo để làm oai với bọn con trai cùng lứa. Thế mà khi ông già bất chợt nhìn thấy, gọi đứng giật lại, giảng cho bài học: “Các con còn nhỏ mà bôi son làm gì cho hư da, để tự nhiên đẹp hơn. Các con có biết lứa tuổi nào người ta mới phải dùng đến son, phấn; đó là những bà sồn sồn tuổi bốn mươi trở lên, vì họ cần thứ đó để kéo lại tuổi xuân…”

Còn nói về phim ảnh thời đó thì chúng tôi chỉ được xem phim nào nhà nước đã duyệt. Bộ phim của Ba Lan  “I-ren về nhà ngay” chỉ có một cảnh là cô I-Ren mới từ từ cởi áo ra và sau đó là màn ảnh mờ dần không thấy gì hết; hay bộ phim “Thiên diễm tình” của Hungary, nội dung ca ngợi sự hy sinh của người chị là nữ hoàng, chịu từ bỏ sắc đẹp của mình để cứu cô em mà cũng cấm trẻ em dưới 16 tuổi.., Đấy bạn thấy không, ông già nhà tôi là nhà thơ mà quê mùa đến như vậy, ai mà chịu nổi kia chứ…

Vài năm sau, khi văn hóa Tây, Tàu ồ ạt nhập vào. Ra đường chúng tôi bắt gặp thiếu nữ mặc hở rốn; Tivi thì chiếu những cảnh trai gái cởi quần áo…và hôn nhau, ông già nhà tôi vừa xem vừa tặc lưỡi “tệ nạn xã hội, phim chưa duyệt mà chíếu cho trẻ con xem, bậy quá !”. Ông sợ lắm trẻ nhà ông mà thấy  cảnh hôn nhau hay cảnh các cô gái mặc mikini sẽ hư người. Chúng tôi dù chồng con hẳn hoi, nếu cùng ngồi xem với ông, chỗ nào quá sex phải quay mặt đi để ông đỡ lo bọn tôi “bắt chước cái xấu”.

Có một lần, đang xem phim, chợt cảnh chàng trai và cô gái mặc áo tắm, dắt tay ra bãi biển. Ngoài bãi biển toàn là người “nghèo”, chỉ có hai mảnh vải che thân. Trẻ con, cháu ông thấy thế, khoái chí cười ha hả, không lấy tay che mắt như mọi khi. Ông già lính quýnh nói rõ to “Phim này chưa duyệt, bậy quá chừng..!” Vừa nghe – phim chưa duyệt, chị em tôi lăn ra nền nhà cười sằng sặc, quặn cả ruột:

– Ôi! trời ơi, ba ơi là ba, ba là ông già “Khốt-ta-bít” của thế kỷ 20; nhưng xét về sự tiến bộ của xã hội thì ba còn cổ hủ hơn cả ông ta nữa kia.

Các bận thấy không? Đó là những năm cuối thế kỷ XX mà ba tôi lạc hậu đến thế bạn ạ! Cũng may, ngay lúc bấy giờ, ông không biết mấy thằng con trai của ông: Huy Ánh, Huy Nhuận trốn cha xem phim sex tại nhà bạn ngay sát bên vách !

Kiên quyết không nhận

Câu chuyện này bàn về đạo đức của người cầm bút. Chẳng phải ai cũng cưỡng nổi tính háo danh khi mà “mỡ treo trước miệng mèo”. Tất nhiên không vơ đũa cả nắm, Tôi nghe mấy chú bạn ba kể với nhau về một trường hợp (xin giấu tên), mà tôi vô tình nghe lõm được:

Nhà văn A, đi công tác B có tác phẩm nhờ nhà văn L mang ra Hà Nội chuyển cho Hội nhà văn. Không may, ngay liền sau đó thì nhà văn A hy sinh. Thế là tác phẩm bỗng nhiên mang tên của nhà văn L…)

Chuyện như thế không thể xảy ra đối với ba tôi. Sở dĩ tôi đánh giá cao lòng tự trọng, tính ngay thẳng, không tham lam ở cha mình, vì chưa bao giờ tôi thấy ông nhận những gì không phải của mình dù rất nhiều cơ hội :

Chuyện thứ nhất kể rằng, có một bài thơ dịch từ gốc tiếng Hán, tỏ lòng hâm mộ một nhạc sĩ tài danh đàn tranh:

Còn đâu nữa tiếng đàn tranh

Hởi chàng nhạc sĩ tài danh Xuân Thiều

Đàn phàm–phim Hạt tiêu reo

Giờ đây sông Bộc sóng gào biệt ly…

Mọi người đồn rằng đó là bài thơ của nhà thơ Yến Lan. Nghĩ như vậy cũng đâu phải thiếu cơ sở. Trong số gọi là tri âm tri kỷ, ngoài nhà thơ Yến Lan không thể có ai hơn trong việc am hiểu giá trị tài năng xuất chúng của Xuân Thiều, nhưng Yến Lan không chịu nhận. Trong khi ấy lại có người muốn nhận về mình…

Cơ sở để mọi người cho rằng đó là bài thơ của nhà thơ nổi tiếng vùng An Nhơn Bình Định, vì Xuân Thiều tạ thế trên quê vợ, cũng là nơi sinh của nhà thơ. Thế nhưng Yến Lan đã phủ nhận hoàn toàn. Mặc dù lời phủ nhận nghiêm túc lại có kèm theo những nét xác minh tế nhị. Yến Lan vẫn không thể thuyết phục hoàn toàn khi mọi người đã tin rằng “Lâm Thi”– tên tác giả ghi dưới bài “Thi điếu” không thể không đồng nghĩa với “nhà thơ họ Lâm”, vì đã có lần Yến Lan dùng bút danh Thọ Lâm. Mà Thọ Lâm cũng có thể là Thi Lâm chứ sao nhỉ?

Nhưng, may sao, đúng 38 năm sau đó, vào ngày giỗ thứ 37 của Xuân Thiều tại Từ Đường bên nội, ở Vĩnh Long–Cửu Long, hồi hạ tuần tháng 8 – Kỷ Tỵ 1989, người ta mới biết bài thơ đó là của ông Đào Thuyên, người làng Biểu Chánh, Quảng Nghiệp – Bình Định, khóc bạn và cũng là người anh bên ngoại…”     (Báo Bình Định số 47 ngày 12/12/1989 đã đăng)

Câu chuyện thứ hai:

Không ít lần tôi nghe ông già tôi khoe “Ông Tố Hữu đã mấy lần đề nghị ba viết đơn gia nhập Đảng. Nhưng thấy mình chưa làm được gì nhiều cho đảng, nên ba chối từ”. Tôi nghĩ, có lẽ nhà thơ Tố Hữu dựa vào những đóng góp của ba tôi trong Cách mạng Tháng Tám và 9 năm kháng chiến; đặc biệt là bài thơ dài được Bác Hồ chọn làm “Bản cương lĩnh mặt trận” của Việt Nam thời đó nên chú ý đến ông.

Một cơ hội vàng như vậy mà ba tôi bỏ lỡ, khiến tôi vô cùng tiếc. Phấn đấu để thành đảng viên là lý tưởng mà thế hệ trẻ chúng tôi hướng tới, để khi ra đời trở thành người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Đó cũng là niềm mong ước lớn nhất đối với bản thân tôi. Tại sao ba lại chối từ? Tôi tiếc rẻ cự lại ông: “Con phấn đấu mãi mà không ai quan tâm. Nhà thơ Tố Hữu–người lãnh đạo cao nhất giới văn học, một khi đã quan tâm đến, có nghĩa chú thấy ba đủ tiêu chuẩn là một Đảng viên. Theo con, ba còn xứng đáng hơn bao người khác ấy chứ, tại sao ba chối từ mà không chớp lấy cơ hội; một cơ hợi mà mấy ai có được !”

-Đâu phải ba không muốn, nhưng là người đảng viên phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân, phải gương mẫu, phải tiên phong trong mọi công việc, còn ba chưa làm được điều đó ”- ba tôi trả lời ý như vậy.

Đáng tiếc lắm! Tôi chứng kiến nhiều người xin vào đảng để từ đó vươn lên trong tương lai; biết đâu trời phú cho ngồi chiếc ghế êm, và từ chiếc ghế đó con cháu nhờ cả về sau v.v… Một cơ hội ngon thế mà ba tôi bỏ lỡ, tôi không hiểu nổi????

Tôi xin bảo đảm rằng, ba tôi hiểu rõ giá trị chữ “Đảng viên” hơn tôi nhiều. Sao ông có thể quên được những gian truân, khổ ải vì không là Đảng khi đi thực tế về nông thôn hay khi liên hệ công tác. Tờ giấy giới thiệu mà ghi “Đồng chí / ông” thì rõ nhau thôi.  

Tôi được đào tạo từ cái “lò” của trường HSMN. Từ trong cái “lò” ấy chúng tôi như những chiếc “bánh mì” cùng kích cở, cùng được nuôi dưỡng thành những người mang lý tưởng cao đẹp của một thế hệ biết hy sinh và sẵn sàng quên mình vì nước, vì dân.. Tôi luôn ao ước được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng không được! Tôi vẫn biết rằng “Đời cua thì cua máy, đời cáy, cáy đào” tự mình đi lên bằng đôi chân của chính mình mới bền vững. Tôi tiếc cho ba tôi lắm! Thiết nghĩ, nếu ba là Đảng viên từ hồi ấy chắc các con của ông sẽ khác hơn giờ. Hình như tôi mới hiểu ông là ba tôi chứ chưa hiểu hết ông là nhà thơ Yến Lan, dù tôi là con gái rượu của ông./.

Trích Hồi ký:  “Về người cha thi sĩ”

Những mẫu chuyện nhỏ về cha tôi,

được sưu tầm và biên soan bởi Lâm Bích Thủy{jcomments on}

0 thoughts on “Ông già “Khốt-ta-bít” của thế kỷ 20

  1. Tran Kim Loan

    Đọc trích đoạn hồi ký” về người cha thi sĩ ” của chị LBT rất thú vị, thật ra bản chất của một người mẫu mực của thời ấy là như thế thôi! cũng không có gì là quá đáng !
    Cám ơn chị LBT đã chia xẻ cho bạn bè HX hiểu thêm về đúc tính tốt của nhà thơ YẾN LAN ! chúc chị vui khỏe , hưởng một cái tết thật đầm ấm nhé!

    Reply
  2. Quế Anh

    Chị Bích Thủy ,
    Câu chuyện chị viết hôm nay lại minh chứng thêm về tính cách của thi sỹ Yến Lan mà rất nhiều nơi , nhiều người và nhiều thế hệ biết về ông . Yến Lan , nhà thơ của người Việt bình dị , trung thực và thanh cao lắm . Ông ghét mọi thói hư tật xấu con người trong xã hội cho nên những điều ” trái khoáy ” diễn ra giữa thời mở cửa là ” bất cập ” với ông rồi . Theo cá nhân em thì ông không hề “Khốt Ta Bít ” đâu , ngược lại những điều ấy có thể xem là giá trị văn hóa Việt còn lại ở thời đại chúng ta ! ( nói ra điều này em xin lỗi chị nhé )
    Chúc chị luôn khỏe và vui !

    Reply
  3. Lâm Bích Thủy

    Chào hai em Trần Kim Loan và Quế Anh. Ngoài sự chia sẻ khi đọc bài còn có lời chúc của các em, chị vui lắm đó. Những điều các em
    hiểu về ba chị, đó là niềm vinh hạnh đối với gia đình chị mà không phải dẽ dàng có được từ những người vẫn còn hoài nghi về bản chất tốt đẹp của một người làm văn hóa trung thực và thanh cao như Yến Lan.
    Thân ái chúc các em như các em đã chúc chị.

    Reply
  4. khoa trường

    Lại chào chị Lâm của “iêm”! 😉

    Chân dung & TÍNH CÁCH KHÁC BIỆT của nhà thơ Yến Lan – qua ngòi bút của chị càng ngày càng rõ nét hơn. Đó quả thật là một CON NGƯỜI của một thời kỳ lịch sử. CƠ CHẾ thời kỳ ấy BUỘC người ta phải TIN VÀO MỘT CHỦ THUYẾT HOANG TƯỞNG và cắm đầu cắm cổ thực hiện một MỤC TIÊU HOANG ĐƯỜNG (Bất khả thi!) bằng mọi giá – kể cả cái giá đó là …TÍNH LẠC HẬU (về văn hóa) so với thời đại, do đã bị áp đặt!

    Phải chịu thôi! Trách ai đây ???

    Triết học Mác Lênin có nói: CON NGƯỜI LÀ MỘT SẢN PHẨM CỦA LỊCH SỬ.
    Rằng thì là ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ QUY ĐỊNH TÍNH CÁCH CON NGƯỜI. Không ai có thể thoát được cả! Ngay cả nhà thơ Yến Lan, Ba của chị.

    Vậy GIÁ TRỊ CỦA MỘT CON NGƯỜI thì sao? Và sẽ ra sao?

    Câu trả lời đã nằm ngay chính trong những mẫu chuyện kể của chị về người Cha nhà thơ của mình!
    KHỐT hay KHÔNG KHỐT là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân thôi.

    Theo Pha Chường, Bác ấy là một người ĐÁNG KÍNH TRỌNG & ĐÁNG ĐỂ HỌC HỎI, qua câu chuyện của chị. Và PC nghĩ những gì chị đang CÓ là được thừa hưởng từ những GIÁ TRỊ BÊN TRONG của Bác ấy!

    Và thế là ĐỦ.

    Năm mới sắp về, chúc Chị & gia đình nhiều sức khỏe – an vui – hạnh phúc trong “Tổ ấm” mới nhé! 😛

    khoatruong.

    Reply
  5. Lâm Bích Thủy

    Khoa Trường “iêm” của chị. “Và thế là đủ” 4 chữ của em đã kết thúc lời bình luận đáng giá 10 lượng vàng 4 số 9. Mong rằng em cũng vũng vàng và hạnh phúc và an lành trong cuộc sống.
    Xin phép em và Quế Anh, chị sẽ coppy những lời bình của em vào các “nhà “khác đấy nhé. Đùng giật mình khi thấy tên mình ở nhà người khác.

    Reply
  6. Dạ Lan

    Hi chị Lâm Bích Thủy , Dạ Lan nghĩ nếu nhà thơ Yến Lan sống thời kỳ nầy ông vẫn sẽ giáo huấn các con ” giấy rách vẫn giữ lấy lề ” đúng không ?

    Reply
  7. camtucau

    Một cơ hội vàng như vậy mà ba tôi bỏ lỡ, khiến tôi vô cùng tiếc. Phấn đấu để thành đảng viên là lý tưởng mà thế hệ trẻ chúng tôi hướng tới, để khi ra đời trở thành người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Đó cũng là niềm mong ước lớn nhất đối với bản thân tôi. Tại sao ba lại chối từ? Tôi tiếc rẻ cự lại ông: “Con phấn đấu mãi mà không ai quan tâm. Nhà thơ Tố Hữu–người lãnh đạo cao nhất giới văn học, một khi đã quan tâm đến, có nghĩa chú thấy ba đủ tiêu chuẩn là một Đảng viên. Theo con, ba còn xứng đáng hơn bao người khác ấy chứ, tại sao ba chối từ mà không chớp lấy cơ hội; một cơ hợi mà mấy ai có được !”
    Tiên sinh là một người quá tuyệt vời Chúc BT nhiều sức khoẻ nhé

    Reply
  8. Hữu Lưu

    Nhà thơ Yến Lan có một nhân cách và tâm hồn thật đáng trân trọng. Ông là một nhà thơ mà anh yêu nhất trong các nhà thơ vì nhân cách và lương tri của một người làm văn hóa nghệ thuật.
    Ông xứng đáng được các thế hệ sau noi theo.
    Chúc em khỏe để viết về người cha thi sĩ của mình cho bạn đọc hiểu thêm về ông.

    Reply
  9. Lâm Bích Thủy

    Cảm ơn bạn Camtucau đã chia sẻ những ý nghĩ từ trong câu văn của mình. Cũng chúc bạn nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

    Cảm ơn anh Hữu Lưu. Em chúc anh khỏe, mắt sáng.

    Reply
  10. TT Hieu Thao

    Hi chị BT Ba chị là một đề tài mà chị việt mãi vẫn chưa hết.( Có những may mắn và kể cả cái bất hạnh cuả ông) đã làm cho cuộc sống ông thêm sinh động và đáng qúi,Trân trọng bài viết chị Và chia sẻ :Sự cảm thụ văn học chị không nhỏ chút nào
    Em:TTHT

    Reply
  11. caokimchi

    Chị Lâm Bích Thuỷ mến ! Bài viết của chị về tháng năm thăng trầm của người cha như suối cứ mãi tuôn trào rất sinh động . Xin sẻ chia với chị và mến chúc một mùa xuân như ý nhe

    Reply
  12. Lâm Bích Thủy

    Hiếu Thảo và Cao Kim Chi thân mến. Cuộc đời của ba chị có gì đó khiến cụ Quách Tấn mới căn dặn ông như vậy. Đan xen giữa tư duy và hiện thực, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại luôn hiện hữu trong tư tưởng bổ sung nhau để ông sống và sáng tác. Chính vì vậy ong được bạn đồng nghiệp đánh giá Yến Lan là nhà thơ biệt lạ. Hai chữ biệt lạ đã nói rất rõ tầm nhìn, tư cách và lương tri của người nghệ sĩ chân chính của Việt Nam.
    Chân thành cảm ơn 2 em. Chúc các em ăn tết vui vẻ.

    Reply
  13. Quốc Tuyên.

    Đọc bài viết của chị em càng cảm phục ba của chị – nhà thơ Yến Lan! Cám ơn chị Lâm Bích Thủy, chúc chị năm mới an lành, hạnh phúc.

    Reply
  14. Kim Đức

    Những bài viết của chị đã đi đến tận cùng góc khuất của nhà thơ Yến Lan và càng làm sáng hơn, rõ hơn về chân dung nhà thơ Yến Lan. Bài viết của chị đã để lại trong lòng em thật nhiều cảm xúc nhưng cũng nhiều trăn trở…..
    Chúc chị luôn vui vẻ nhé!

    Reply
  15. Sông Song

    Đáng tiếc lắm! Tôi chứng kiến nhiều người xin vào đảng để từ đó vươn lên trong tương lai; biết đâu trời phú cho ngồi chiếc ghế êm, và từ chiếc ghế đó con cháu nhờ cả về sau v.v… Một cơ hội ngon thế mà ba tôi bỏ lỡ, tôi không hiểu nổi????(LBT)

    Vậy mới là tính cách của NHÀ THƠ YẾN LAN chứ chị LBT..
    SS chúc chị đón xuân vui vẻ và hạnh phúc.

    Reply
  16. Lâm Bích Thủy

    Chị Bích Thủy cảm ơn các em: Quốc Tuyên,Kim Đức, Sông Song, Tuệ Minh với sự chia sẻ rất chi là dễ thương. ngoài mấy thứ cổ lỗ sĩ đó Ông cụ còn quan niệm cũng rất kỳ quạch, không phân biệt sang hèn; ví như thế này: Thấy con có vẻ khinh rẻ những người công nhân đổ thùng, quét rác ông lại giáo huấn Do sự phân công của xã hội, mỗi người mỗi việc. Nếu những công nhân đó làm tốt công việc của mình thì cũng đáng giá như nhà văn nhà thơ, diễn viên, ca sĩ v.v… làm tròn trách nhiệm của mình.
    Lời còm của các em hình như đã ủng hộ sự kỳ quặc của ông đó nhé.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.