Qui Nhơn Bây Giờ

* Vì trùng bút hiệu một CHS NTHQN nên Hạt Tiêu = Hạt Dưa

 

Giỗ bà nhằm lúc trời mưa, chị Hạnh bắt làm rạp trước nhà và thuê mười lăm bộ

bàn ghế, trông giống đám hỏi hay đám cưới quá. Mấy đứa con nít kê bàn ghế vui

như hội. Ở dưới bếp, mấy chị nấu ăn trằm trồ:

– Hể cô Hạnh về là đám bà thật to, nhất xóm.

Chị Hạnh đứng trên nhà lớn nhận đồ cúng, chị nhìn ra sân lo âu:

– Mưa quá, sợ thiên hạ không buồn ra ngõ.

Nàng dâu út mỉm cười:

– Chị sợ thiếu khách, mất uy?

Không ai hưởng ứng lời nói của nàng. Mọi người đều bị cuốn trong cơn lốc hào

nhoáng của chị Hạnh. Từ khi chị bước xuống xe taxi, ai cũng có phần, con nít

thì được kẹo, người lớn thì được quà. Ngày hôm sau, chị đi thăm mộ bà, thăm

những người già yếu, neo đơn trong xóm và biếu ít tiền, sau đó tập trung bà con

chuẩn bị một cái giỗ linh đình.

Chị Hạnh ở Sài Gòn về, chị trẻ trung xinh đẹp, nhanh nhẹn như cô gái đôi mươi.

Trong đám giỗ cũng có một người ở xa về, một cô em họ. Nhưng cô bị chìm

trong hào quang của chị Hạnh. Cô cũng nhìn trời mưa, buồn bã :

– Mưa quá, nước ngập đầy đường, làm sao về thăm trường xưa…

Không ai hưởng ứng lời nói lạc điệu của cô. Trường xưa có gì mà thăm. Trường

của cô là trường Sư Phạm. Hồi cô học trường đào tạo giáo viên tiểu học, bây

giờ đã thành trường Đại học, bề thế hơn nhiều. Hồi đó, cô từ Nha Trang về học

ở nội trú. Những chiều nhớ nhà, cô thường ra biển ngồi mơ màng theo bài Biển

Nhớ của Trịnh Công Sơn. Cũng có một người bạn cùng lớp ở tại đây, bắt chước

kiểu điên khùng của cô, hay ngồi ngắm biển. Không biết anh chàng thất tình hay

để ý đến cô. Riêng cô, từ đó nỗi nhớ nhà như vơi đi rất nhiều. Cô gọi người đó

là “người tình không chân dung”, theo tên một cuốn phim ăn khách thời bấy giờ.

Gặp nhau hoài hoài mà cứ là người tình không chân dung. Tuổi hai mươi hồi đó

cải lương như vậy, nhưng thật dễ thương.

Sau này, lâu lâu, mỗi khi giận chồng cô lại nhớ về người tình không chân dung

một cách tình cờ. Thật ra có tình ý gì đâu? chỉ là những con mắt vô tình gặp nhau.

Trời mưa lớn nhưng người đi ăn giỗ đến vẫn đông. Thật là quý hóa, chị Hạnh

đon đã chào khách. Khách đông, đông hơn dự tính. Bàn mười người thành

mười hai người. Ai cũng nói lội nước lụt đi ăn giỗ mới ngon. Chị Hạnh thoăn

thoắt chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, tà áo dài chị múa nhẹ, mịệng chị cười

tươi, chị kinh doanh bất động sản, chị thành công ngay cả trong thời khủng

hoảng, ai hỏi kinh nghiệm chị sẵn sàng chia xẻ. Khi khách ra về, chị đã chuẩn bị

sẵn mỗi người một hộp bánh Custas, cô em út rên:

– Bà Hạnh chơi sang quá, mấy lần giỗ sau không có bà mình chới với.

– Ui, hơi đâu, cứ liệu cơm gắp mắm, thiên hạ biết hết ai dư công mà si bì.

Khách về gần hết, chỉ còn một bàn của anh Hai, thầy dạy kèm của chị và mấy

ông sồn sồn, bạn hồi xưa của chị vốn là đệ tử của anh Hai. Họ làm thơ nhớ tiếc

thuở học chung, ai cũng nói hồi đó mình thầm yêu trộm nhớ chị Hạnh. Chị Hạnh kéo cô em họ vào ngồi, chị tự tin :

– Đây là Ngọc ở Nha Trang về, chuyên gia thơ thẩn rất hợp ý với quý vị, còn tui

chỉ lo kiếm tiền thôi.

– Hì hì , có thực mới vực được đạo, vật chất quyết định ý thức mà.

Anh Hai chuyển vế, anh tâm sự với cô em họ:

– Anh không thích chỗ đông người, anh dự là vì muốn nhìn người ngày xưa đã

làm anh suýt chút nữa …

– Dạ em biết, chị Hạnh hay tâm sự về anh lắm. Chị nói anh vừa làm học trò vừa

làm thầy, anh học giỏi và nghiêm khắc với học trò, trừ với chị …

Anh Hai cười:

– Hạnh thông minh, xinh đẹp, nhưng nam tính quá, nên đàn ông sợ

– Thông minh như anh, mà cũng sợ sao ?

Anh Hai tấn công lẹ làng:

– Anh thích mẫu người nữ tính đậm đà như em vậy

– Tại anh không biết đó thôi, bên ngoài cái vẻ cứng cỏi chị Hạnh mềm yếu, dễ vỡ

hơn ai hết.

Anh Hai nhìn sâu vào mắt người đối diện:

– Anh hiểu Hạnh nhiều hơn là em đó.

Cô em họ tránh né:

– Hồi xưa, em có bỏ quên ở thành phố này một mối tình.

Anh Hai tiếp lời:

-Và người ấy vẫn còn đây, có muốn anh dẫn đi thăm không ?

-Dạ không, em sợ họ vỡ mộng.

Anh Hai cười tình:

– Anh không vỡ mộng làm sao người ta vỡ mộng được .

– Dạ, người ta vỡ mộng vì khi người ta biết em là thời hoàng kim thiếu nữ, còn

bây giờ là thời tàn tạ của thíếu phụ mà .

Anh Hai rủ rê:

-Không đi thăm người xưa thì chiều ghé nhà anh chơi, để anh đọc thơ tặng vợ

cho nghe rồi anh tặng em một bài.

-Để anh ngồi chấm điểm hả.

Hai anh em cùng cười. Anh Hai phân trần :

-Thời tuổi trẻ nông nỗi người ta bị lôi cuốn vì sắc đẹp, càng về già người ta khao

khát vẻ đẹp của tâm hồn.

-Anh an ủi em đó hả?

Chị Hạnh bưng dĩa bánh ngọt lên:

– Anh Hai ăn bánh ít, nhớ hồi xưa nhà anh có giỗ, lúc nào cũng có một mâm cho

bọn tiểu quỹ.

-Và Hạnh không bao giờ đến, luôn bắt người ta để phần.

Chị Hạnh khôn ngoan, biết tận dụng vũ khí của phụ nữ từ khi còn nhỏ nên bây

giờ anh Hai nhớ mãi. Ông đệ tử nổ máy xe:

-Anh Hai, ra em chở về, chiều nay trường em họp Hội Đồng.

Anh Hai vẫn còn lưu luyến:

– Nhớ nghe, chiều nay hai chị em đến nhà anh chơi, anh chờ.

Chị Hạnh chặc lưỡi :

-Anh Hai lúc nào cũng uy quyền, bắt người khác trong thế bị động.

Xong đám giỗ, đã ba giờ chiều, mưa vẫn nặng hạt, nước đã mấp mé lên hè ,

chắc tối nay nước vào nhà, cô em út lo kê đồ điện tử lên cao. Chị Hạnh hỏi cô

em họ:

– Bây giờ đến nhà anh Hai, anh mừng lắm. Thăm anh chị xong , mình đi ăn bánh

xèo, nghe nói ở đây có bánh xèo tôm nhảy ngon lắm.

Cô em lắc đầu từ hồi về đến giờ, cô chưa bước chân đi đâu dù đự tính thật

nhiều, nhưng mà có đi thì cũng đến nhà anh Hai rồi hết buổi, nhìn con đường

lênh loáng nước trước nhà, cô mới thấy mình già hơn chị Hạnh, già trong suy

nghĩ, già trong hành động, cả trái tim cũng già nua vô vị.

Buổi tối hai chị em vô mùng sớm, ngày mai chị Hạnh lên máy bay vào Sài Gòn,

còn cô em họ lặn lội ra bến xe về Nha Trang, chị Hạnh vẫn còn day dứt lời mời

ban trưa, chị kể hồi xưa anh Hai học giỏi nhất xóm, phần thưởng anh phải thuê

xích lô chở về, cả xóm ra mừng, anh chuyên môn kí đầu bọn học trò trừ chị

Hạnh, vợ anh là giai nhân trường Nữ cũng là học trò anh, con anh ở nước ngoài,

tụi nó muốn bão lãnh anh chị qua ở nhưng anh nặng tình với quê hương đi không

dứt, giọng chị đều đều rồi trở qua tiếng ngáy, cô em họ thao thức với tiếng mưa

rơi trên mái nhà, tiếng mưa như lời thầm hỏi:

– Anh Hai, anh nói chị Hạnh nam tính nên đàn ông sợ, còn em nữ tính dạt dào

mà có giữ được ai đâu?{jcomments on}

 

12 thoughts on “Qui Nhơn Bây Giờ

  1. NĐD

    Những mẫu đối thoại đơn giản nhưng lại thấm vào lòng người đọc như câu chuyện nhẹ nhàng, giản đơn nhưng lại tạo một cảm giác man mác buồn của một người đang xuôi thuyền về giòng sông xưa .

    Rất nhẹ nhàng, truyền cảm !

    Reply
    1. lamcamai.

      Like 10 lần cái com của anh NĐD.
      Hihi…Nghĩa là mình đã đọc mẫu thoại của Hạt Dưa và lời com của anh NĐD, những lời thoại không cầu kỳ nhưng diễn tả nội tâm cực kỳ thâm thúy.

      Reply
  2. Quốc Tuyên.

    Chào Hạt Dưa, lâu ghê mới được đọc bài viết của bạn trên trang nhà, một câu chuyện ngắn nhè nhẹ, mênh mang buồn lay động lòng người, rất hay!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.