Chiều Nhạc ở Houston

* Bài viết của Cung Nhật Thành

* GS Trần Thủy Tiên chuyển tiếp

 

Lời Giới Thiệu: Xin hân hạnh giới thiệu một bài viết đặc biệt, ngắn gọn nhưng súc tích, với kiến thức chuyên nghiệp về âm nhạc, của Ông Cung Nhật Thành. Ông viết về một chương trình Âm Nhạc Cổ Điển, do một trường học của Mỹ ở Houston tổ chức, nhằm khuyến khích học sinh học tập và thưởng thức dòng nhạc cổ điển muôn thuở, bao la, bất diệt…

Đã khá lâu rồi, tôi mới có cơ hội tham dự một buổi Trình Diễn Nhạc Cổ Điển, thú vị và tương đối đúng với ý nghĩa âm nhạc, vào Thứ Sáu, ngày 20.9.2013, vừa qua. Chương trình đặc biêt này của Trường MECA (Multicultural Education and Counseling Through Art) ở Houston, Texas, USA, được điều khiển khéo léo bởi M.C. nói Tiếng Anh, Cung Hoàng Kim, Hoa Hậu Toàn Quốc Hoa Kỳ 2013. Nhà trường có mục đích hướng dẫn học sinh Hoa Kỳ bằng nghệ thuật và buổi Chiều Nhạc hôm đó gồm hai phần. Phần trình tấu Tây Ban Cầm Cổ Điển và Violin, và phần trình diễn giọng hát với các ca khúc của nghệ thuật cổ điển. Cầm thủ Tây Ban Cầm (Classical Guitar Performers) có Đặng Nguyên Khôi, Nguyễn Quang Bình, và hai học sinh trẻ, học đàn với NQB là Anthony Trần và Graciela Gonzales. Phần Giọng Hát (Vocal Performance) giúp vui cho chương trình nhạc cổ điển, có ba cô: Nguyễn Thị Kim Chi, Trần Thủy Tiên, và Đinh Kim Oanh.

Đặng Nguyên Khôi mở đầu chương trình với 3 khúc nhạc của Francisco Tarregar, một bậc thầy đã khai phá và tạo dựng nghệ thuật trình tấu với các phương pháp sư phạm về Tây Ban Cầm, bài Tango, Capricio Arabe và Recuerdos de La Alhambra. Phong cách trình diễn thanh thoát của Nguyên Khôi rất hợp với 3 bài này, nhất là bài Recuerdos de La Alhambra cùng kỹ thuật reo dây (tremolo) nhẹ nhàng truyền cảm.

Mở đầu Phần Thanh Nhạc là bài Dạ Tâm Khúc, do Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, với giọng hát chắc chắn dầy dặn của Cô Nguyễn Thị Kim Chi. Cô Trần Thủy Tiên được mời hát bài thứ hai, một ca khúc quen thuộc và lừng danh trên thế giới: Dạ Khúc, tức là Serenade của Franz Schubert, lời Việt do Nguyễn Quang Bình đặt, dựa vào thơ của Trịnh Cung. Cũng Nguyễn Quang Bình là người viết phối âm cho em Đinh Việt (đàn violin), viết phối âm cho Classical Guitar, và chính anh Bình đã đàn phối âm guitar này, chạy nền rất nhuần nhuyễn. Cả hai âm thanh Violin và Guitar này quyện với giọng ca vững vàng, rất truyền cảm của Cô Trần Thủy Tiên, khiến tiếng hát trở nên tha thiết hơn, đúng với tầm vóc cung cách nhạc viện. Giọng hát thứ ba là Đinh Kim Oanh, cao và thanh thoát với bài Nước Non Ngàn Dặm Ra ĐiChiều Về Trên Sông của Phạm Duy. Bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi được viết với chất liệu Ngũ Cung thuần túy Đông Phương. Phối âm cả hai bài hát này cho Classical Guitar do Nguyên Khôi viết và tự đàn, nhịp nhàng theo từng câu hát của Cô Kim Oanh.

Nguyễn Quang Bình, người phụ trách môn Classical Guitar tại trường M.E.C.A. ở Houston, trình diễn các kỹ thuật của guitar xuyên qua 3 tác phẩm quen thuôc  Sakura, dân ca Nhật, Judea của Luis Maracilla, và Gran Jota, vũ khúc Tây Ban Nha, là tác phẩm “kinh điển” nổi tiếng của Tarraga. Tiếp theo, âm nhạc dân gian Nam Mỹ với tính cách nồng nhiệt say đắm, được Nguyễn Quang Bình giới thiệu qua bài Prelude số 1 và Etude số 11 của nhà soạn nhạc Brazil, Heitor Villa-Lobos.

Kết thúc Chiều Nhạc Houston đầy mưa gió, có cả nước lũ (flooding) trên đường lái xe đi, ngập nước, suốt 4 giờ đồng hồ, từ Dallas đến Houston, là phần song tấu và tam tấu Guitar cổ điển, với tác phẩm La Valsa của Ferdinando Carulli, Mazurka của F. Tarrega, đặc sắc nhất là khúc nhạc bất hủ Marcia Turca của Mozart. Cả ba bài này đều do Nguyễn Quang Bình soạn phối âm cho Guitar, cùng trình diễn với hai môn sinh đầy triển vọng là Anthony Trần và Graciela Gonzales.

Hy vọng Âm Nhạc Cổ Điển mang lại một tinh thần phóng khoáng cho những tâm hồn rộng mở yêu thương, những người biết chơi nhạc và nghe nhạc, cũng cần biết cư xử trung hậu và tín nghĩa với nhau, nhất là khi được may mắn sống trong không khí tự do. Xin mượn câu nói đúng nghĩa của Nina Simone để kết thúc bài viết ngắn, hôm nay:I had spent many years pursuing excellence, because that is what classical music is all about… Now it was dedicated to Freedom, and that was far more important.

Viết cho Buổi Nhạc Cổ Điển ở Houston, TX, Ngày 20.9.2013.

Cung Nhật Thành


Chiều Nhạc Houston, Ngày 20.9.2013.

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Chiều Nhạc ở Houston

  1. Quốc Tuyên

    Bài viết ngắn gọn nhưng súc tích, cám ơn GS Trần Thủy Tiên, ông Cung Nhật Thành đã cho biết về Chiều Nhạc Ở Houston, một chương trình Âm Nhạc Cổ Điển thật giá trị.

    Reply
  2. Sông Song

    Chúc mừng chiều ÂM NHẠC CỔ ĐIỂN tại HOUSTON.
    Cảm ơn bài viết của ông Cung Nhật Thành va GS Trần Thủy Tiên đã chuyễn tiếp qua HX.

    Reply
  3. Thu Thủy

    Cám ơn GS Trần Thủy Tiên, ông Cung Nhật Thành đã cho biết về Chiều Nhạc Ở Houston, Xin chúc mừng chương trình Âm Nhạc Cổ Điển với những bài hát rất hay hình chụp đẹp , rất tiếc là không nghe được.

    Reply
  4. Thi Thơ

    Tác giả Cung Nhật Thành có liên quan gì với nhà thơ Cung Trầm Tưởng hay học giả Cung Giũ Nguyên ?

    Reply
    1. GS Trần Thủy Tiên

      Đáp lại sự quan tâm của độc giả, GS Trần Thủy Tiên trả lời Thi Thơ:
      Xin không kể tuổi tác lớn nhỏ, Ông Cung Trầm Tưởng là cháu họ của ông Cung Nhật Thành, và ông Cung Giũ Nguyên là anh họ của ông Cung Nhật Thành. Chúc Thi Thơ giữ mãi tâm hồn Thơ: yêu mến gia đình, bạn tốt cũng như dân tộc, và phát huy chủ quyền độc lập của đất nước, như yêu cái Đẹp vô bờ bến của thơ và nhạc.

      Reply
  5. Dạ Lan

    GS Trần Thủy Tiên ơi! vậy cô và nhà bình luận Cung Nhật Thành ai trẻ tuổi hơn? Cám ơn GS đã chuyển tiếp một baì viết ngắn gọn, sâu sắc.

    Reply
    1. GS Trần Thủy Tiên

      Xin Cảm Tạ Tấm Lòng ưu ái và các lời Chúc Mừng chia xẻ về văn nghệ (trên Diễn Đàn Hương Xưa) của Quốc Tuyên, Sông Song, Thu Thủy, Thi Thơ và Dạ Lan qua bài viết đặc biệt về Nhạc Cổ Điển ở Houston, Texas, của Ông Cung Nhật Thành.
      Cũng xin cám ơn Người Phụ Trách Diễn Đàn.
      Hẹn gặp lại các bạn và các em trong một bài viết sắp đến.
      GS Trần Thủy Tiên

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.