Quới Nhơn

Tác giả: Lão Bà Bà

 

Lâu thật lâu, anh gặp lại chị. Chị đã khác xưa rất nhiều. Ngày mới gặp anh chị là cô thiếu nữ thường vận đồ trắng với hai cái nơ đỏ trên mái tóc. Còn bây giờ chị là thiếu phụ già dặn hơn nhiều so với số tuổi.

Chị hơi buồn khi nghe anh nhắc lại thời hoàng kim của mình:

-Có sao đâu, thời gian mà, cô vẫn có những nét đặc biệt khiến cho người ta nhớ.

-Thiệt hả, xạo hoài.

Và chị lại trở lại cái tính yêu đời thuở trước. Hai mươi mấy năm rồi chớ bộ. Hồi đó anh là chàng xích lô hay chở nàng về nhà mỗi trưa thứ bảy. Chị dễ thương, yêu đời và dễ tin người. Chỉ một cuốc xe sơ bộ anh đã nắm trọn lý lịch của chị. Đến lần thứ hai thì chị được xếp vào loại khách hàng có điểm hẹn.

Hồi đó tài nói dóc của anh cũng ngang ngửa với trạng Quỳnh. Anh vốn là sinh viên giỏi toán, chỉ vì đi coi thiên hạ biểu tình mà bị hốt vào trại lính. Quân trường cho anh cái bông mai trên cổ áo. Cũng vì cái bông mai đó anh lại được ‘học tập’ mấy năm liền, và vì cái bằng “học tập “này làm nghề gì cũng không được phải chọn nghề xích lô.

Còn chị, hách hơn anh nhiều. Học giỏi được thầy yêu bạn mến. Lá số tử vi chị lúc nào cũng có quới nhơn phù trợ nên con đường học hành thẳng băng. Qưới nhơn đầu tiên là anh chàng người Huế, nộp đơn thi đại học dùm và sửa luôn tờ đơn từ Lý Hóa thành Sử Địa. Chị cũng đi theo con đường quới nhơn vạch sẵn. Cũng vì lý do này chị bị giáo sư Lý Hóa mắng yêu:

-Mở miệng nói luôn mồm thương người ta, ra Huế có năm phút đã quên người ta tuôt luốt.

Rồi sao nữa, rồi chị thi đậu còn quới nhơn rớt bị động viên, chị mất dấu luôn. Anh chụp ngay cơ hội:

-Ờ anh chàng đó khi đi lính gặp tui, bàn giao chức quới nhơn cho tui, dặn khi nào gặp cô tận tình giúp đỡ.

Chị cũng là dân bắt địa tài tình:

-Thiệt hả, vẽ dùm bản đồ tự nhiên nước Nhật cho tui đi, tuần sau tôi ra Đà Nẵng thao giảng rồi.

-Chuyện đó dễ ợt, mười ngón tay tôi đều có hoa nên tui suýt làm họa sỹ đó chớ.

Anh cảm ơn sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước, nhờ sự nghèo nàn mà tình cảm của anh thăng hoa. Vì quá nhiệt tình với nghề tay trái mà anh bị lũ bạn châm biếm:

-Làm nhiều ăn ít để dành tiền cúng cho ông họa sĩ Hoài Văn.

Cuộc đời anh là một chuỗi những chữ bị và được. Một tai nạn nhỏ xảy ra anh phải vào Nam chuyển nghề. Rồi những bất ngờ trong cuộc đời xảy ra, bông mai trên cổ áo ngày nào khiến anh lận đận lao đao, giờ lại giúp anh từ giã quê hương một cách hiên ngang. Một lần nào đó anh có trở lại thành phố biển, nhưng bận bôn ba với thủ tục giấy tờ đâu có thời giờ nghĩ tới ai.

Xứ lạ quê người anh ham làm ham học, khi có cuộc sống ổn định nhìn lại mình thì đầu tóc đã muối tiêu. Trời ạ! anh ra đi gần một phần tư thế kỷ, thời gian đủ để một đưa bé sinh ra trưởng thành. Lần lữa mãi mới có một hành trình về đất Hứa. Cô thiếu nữ vẫn chờ xe anh mỗi trưa thứ bảy đã có gia đình. Tìm chị đâu có khó gì, trừ khi là mình không muốn. Mà anh thì rất muốn, rất muốn nhìn lại sự điệu đàng của chị ở mỗi mùa hè. Hồi đó mỗi lần học chính trị là chị phơi phới niềm tin. Xanh, đỏ, tím, vàng đủ kiểu, làm kiểm điểm lia chia rồi cũng trót lọt vì có quới nhơn phù trợ. Chuyện chồng con của chị cũng nhẹ nhàng. Mỗi lần đi lao động có người chở dùm, chở riết rồi thành duyên nợ

– Uả ông xã cũng là quới nhơn sao?

-Ưà nhưng mà quới nhơn viết hoa.

-Sao lại viết hoa?

-Vì quới nhơn là ông xã nên viết hoa để phân biệt với quới nhơn khác có gì mà không hiểu.

-Ưà! mình u mê thật hèn gì suốt đời mồ côi vợ. Chị háy thật dài:

-Có mỗi con đường hết xuống lại lên ai mà dám cưới.Ông xã cũng là người giỏi tóan . Học ban A nhưng chuyên giải tóan cho mấy cô em ban B và các đại tỷ MPC

-May quá

– May gì?

-Không có gì may cả.Thật ra anh muốn nói:

– May quá ông xã chị không phải người “đằng đó”.Hồi xưa chị có vui miệng kể cho anh ở trường chị có một quới nhơn “đằng đó” thường xách nước cho chị và anh sợ mông lung về điều mình không muốn mà phải đối diện.

Chị ôm chồng bản đồ ra khoe, anh ngạc nhiên:

– Bây giờ cuộc sống đã đi lên bản đồ thiếu gì ? sao còn phải vẽ tay ?

-Ừa, không thiếu nhưng vẫn vẽ để nhớ sư phụ (ôi! anh nhiều chức quá vì nhiều chức nên không làm nên nổi chuyện gì). Chị bây giờ đúng là cô giáo địa lý, nét vẽ cứng và sắc. Những tô bún không được ăn của anh cũng có ích đó chứ.Vậy là đủ. Một chuyến về quê hương, gặp những gì cần gặp, biết những gì cần biết

Ngày mai anh đi bỏ lại chút kỷ niệm êm ả ngọt ngào trong đó có chị, người phụ nữ nầy thật dễ thương, cả tin và nhẹ dạ, nhờ vậy khi xa chị, anh đỡ ái ngại về chị vì biết quanh chị lúc nào cũng có quới nhơn phù trợ. Ưà, anh cũng là một quới nhơn, một quới nhơn viết chữ thường luôn cầu mong mọi may mắn đến với chị

Leave a Reply

Your email address will not be published.