Kỷ-Cương

Huyến về dậy trường này từ đầu năm. Anh còn trẻ và là cháu của thầy hiệu-trưởng. Người ta bảo rằng sớm muộn anh cũng trở thành giám-học, một chức-vụ còn trống từ nhiều tháng nay.

Huyến bực mình vì lớp của các nữ sinh lớn ít khi thuộc bài tới nơi, tới chốn. Anh nghĩ Vĩnh, thầy phụ trách lớp, làm học sinh lười biếng thêm vì Vĩnh hay dậy những học sinh kém không thù-lao. Anh đã mang việc này than với thầy hiệu-trưởng vài lần.

Hôm nay, Huyến khảo bài. Đứa nữ sinh thứ nhất ấp a ấp úng… Đứa thứ hai vấp-váp, không trôi chẩy … Đứa thứ ba tạm được …Đứa thứ tư lúng-túng câu được, câu không.

Hai nữ sinh trước đều trả lời là đã cố-gắng hết sức trong khả-năng mình, rồi đứa thứ tư nói y như vậy làm chàng nổi nóng:

– Thời buổi loạn-lạc mà không chịu học! Các em muốn làm điếm hay sao? Đó là thành-phần cặn-bã của xã-hội các em có biết không?

Nhiều tiếng lao-xao phản-đối. Một nữ sinh thốt lên:

– Thưa thầy, có những người phải làm điếm vì cha mẹ già yếu, vì phải nuôi các em ăn học.

Huyến tức giận đập tay xuống bàn.

– Không được cãi.

Người nữ sinh trưởng lớp đứng dậy.

– Tại sao thầy nỡ nói quá nặng với chúng em. Mong thầy rút lại lời nói.

Huyến la lớn:

– Im ngay. Có muốn bị đuổi không?

Người nừ sinh trưởng lớp thản-nhiên:

– Trong trường-hợp này, em không muốn học thầy.

Các nữ sinh khác đồng-loạt đứng dậy:

– Em cũng nghỉ

– Em cũng vậy

– Em theo chị

Cả lớp bước ra ngoài… Họ xếp hàng trước lớp.

Huyến thấy mình hơi quá trớn nhưng vẫn lớn tiếng:

– Các em vào lớp ngay.

Không ai nghe lời Huyến. Thầy giám-thị từ xa đi tới. Huyến nói:

– Mấy đứa này vô kỷ-luật quá.

Thầy giám-thị ôn-tồn:

– Các em vào lớp.

Trưởng lớp nói:

– Chúng con kính-trọng thầy nhưng chúng con không thể vào lớp được. Thầy cho chúng con gặp thầy hiệu-trưởng.

Thầy giám-thị trả lời:

– Thầy hiệu-trưởng đi vắng, không biết bao giờ mới về.

– Thế thầy vui lòng cho chúng con gặp thầy phụ-trách.

Thầy giám-thị kiếm thầy Thiêm là người phụ-trách lớp này.

Thiêm tới. Anh nhẹ-nhàng bảo:

– Thôi, các em vào lớp.

Hàng chuyển-động. Huyến định bước vào cùng với Thiêm nhưng thầy giám-thị cản lại:

– Thầy vui lòng để thầy Thiêm giải-quyết.

Đợi các nữ sinh ngồi vào chỗ hết, Thiêm nghiêm-nghị nóI:

– Các em hãy bình-tĩnh và từ-tốn. Không nóng. Trưởng lớp hãy tóm-tắt cho thầy nghe bằng một vài câu thôi.

– Chuyện khởi-đầu không có gì, chỉ vì chúng em không thuộc bài. Nhiều người chúng em nghèo lắm. Sau buổi học phải đầu tắt mặt tối giúp cha mẹ nên không có đủ giờ học. Thầy Huyến nổi giận nên nói nặng với chúng em.

Vài người giơ tay xin tiêp lời nhưng Thiêm lắc đầu:

– Đủ rồi! Không phải thầy không muốn nghe nhưng không thể nghe nữa. Vai-trò của thầy không cho phép nghe các em phê-bình đồng-nghiệp của thầy.

Thiêm nhìn về phía trước mà hình như không thấy gì. Thật lâu sau, anh thở dài:

– Các em có thể quên chuyện xẩy ra không?

Những nữ sinh hàng ngày hiền-hòa bây giờ trở nên cứng rắn và cương-quyết:

– Thưa thầy, không. Không thể được:

Thiêm nói trong ngậm-ngùi:

– Trong xã-hội mất kỷ-cương, các em cần giữ kỷ-cương, không chống-đối thầy cô. Các em không giữ để có lợi cho riêng mình mà cho trường này, cho làng xóm này, cho đất nước này. Hãy làm đúng  phần của các em rồi mọi chuyện có thể sẽ ổn-thỏa.

Ngừng một chút rồi anh tiếp-tục:

– Có một cụ già đã về hưu, cụ Trọng Nghĩa. Cụ lấy tiền hưu-bổng hàng tháng để đăng bốn chữ “lễ, nghĩa, liêm, sỉ” trên báo Sóng Thần. Có ai nghe cụ không? Thầy không rõ nhưng thầy biết cụ vẫn tiếp-tục làm việc của minh.

Trong trường có dư-luận là Thiêm và thầy hiệu-trưởng có mối bất-đồng. Thêm vào đó Huyến lại hay than-phiền. Thầy hiệu-trưởng nhiều khi khó-khăn với Thiêm nên anh xin đổi đi.

Người trưởng lớp chớt lóe lên một ý-nghĩ. Em hỏi:

– Nếu chúng em đồng-ý, thầy có hứa ở lại với chúng em không? Chúng em bằng lòng, vì thầy là tất cả yêu-thương, là những gì đẹp-đẽ nhất mà chúng em có tại trường này.

Thiêm xúc-đông:

–  Thầy cám ơn các em. Nhiều điều chúng ta muốn nhưng không có nghĩa luôn luôn đạt được đâu.

Có tiếng gõ cửa. Thầy hiệu-trưởng đứng ngoài từ lúc nào. Thiêm mời thầy vào lớp. Anh định đi ra nhưng thầy hiệu-trưởng ngăn lại.

Thầy dịu-dàng nói với lớp:

– Cám ơn các con đã lắng nghe lời giáo-sư phụ-trách. Thầy mong các con cố-gắng giữ kỷ-cương cho trường!

Quay sang Thiêm, thầy tha-thiết:

– Tôi mong thầy vui lòng ở lại với các em. Họ là những học-sinh thân yêu của thầy.Tôi thành-thật yêu-cầu thầy.

{jcomments on}

 

0 thoughts on “Kỷ-Cương

  1. nguyenhoanglamni

    Xin chào anh Thiên Tường!
    Anh có một bài viết để dạy về nhân cách cho thầy và trò của ngôi trường nào đó nói riêng và cho xã hội nói chung.Vâng cần như vậy dù ở trong trường hợp nào cũng đều phải có kỷ cương nếu không sẽ sinh loạn,xin cám ơn anh đã cho đọc một câu chuyện hay.
    Còn nhân vật thầy phụ trách,lúc đầu anh giới thiệu là thầy Vĩnh sau lại là thầy Thiêm, không biết có phải là một không hay hai thầy phụ trách lớp có nữ sinh lớn đó.

    Chúc anh vui,khỏe
    Thân mến

    Reply
    1. Thiên Tường

      Chào anh Nguyễn Hoàng Lâm Ni. Anh nói đúng. Thầy phụ-trách tên là Thiêm, không phải Vĩnh.Chân-thành cám ơn anh

      Reply
  2. Nguyên Lương

    Hai người Thầy, hai cách dạy khác nhau. Một cứng rắn, trực tiếp. Một mền dẻo, gián tiếp. Cả hai đều có tác dụng. Cách Thầy Thiêm là làm cho các em vui mà hạ hỏa lúc cơn giận đang lên. Cách của Thầy Huyến như tát nước vào mặt nhưng khi về nhà, có lúc nghĩ lại các em sẽ hiểu Thầy hơn. Lời khuyên dưới đây nghe chí lý ở mọi thời đại, nhất là thời đại này:
    – “Trong xã-hội mất kỷ-cương, các em cần giữ kỷ-cương, không chống-đối thầy cô. Các em không giữ để có lợi cho riêng mình mà cho trường này, cho làng xóm này, cho đất nước này. Hãy làm đúng phần của các em rồi mọi chuyện có thể sẽ ổn-thỏa”
    Một bài gỉang dành cho mọi người, không chỉ cho riêng các em nữ sinh. Cảm ơn Thầy Thiên Tường một lần nữa.
    NL

    Reply
    1. Thiên Tường

      Anh Nguyên Lương biết thứ : văn thơ, nghệ thuật, hoa cỏ, cách đối xử mà không nhận mình là thầy còn gọi tôi là “Thầy Thiên Tường” thật là khiêm-tốn quá mức!
      Muốn có ý-thức kỷ-cương đòi hỏi sự lâu dài cho thành nếp. Tuy nhiên, nghề làm thầy cũng phải dậy học trò biết phản đối trong “sự khôn ngoan và có kỷ-cương”

      Reply
    1. Thiên Tường

      Anh Bạch Xuân Phẻ ơi, tôi không biết nấu bếp; không biết làm những bài thơ đầy yêu thương cho mẹ, cho vợ, cho con; không biết giao-tiếp, không thuộc sử, không am tường các địa-danh, không tính được khoảng cách giữa lòng người thì làm thầy anh sao nổi?
      Thôi, chúng ta là anh em, là bạn bè để cùng học hỏi lẫn nhau có phải thích thú hơn không? NXTT

      Reply
      1. Uyển Diễm

        Thôi! Thầy cho Uyển Diễm làm học trò Thầy đi, làm Thầy của UD Thầy không cần phải nấu bếp không cần làm những bài thơ đầy yêu thương cho mẹ, cho vợ, cho con; không cần giao-tiếp, không cần thuộc sử, không cần am tường các địa-danh, không cần tính được khoảng cách giữa lòng người, Thầy chịu không ?

        Reply
        1. Thiên Tường

          Chị khéo-léo, khiêm-tốn và khôn ngoan quá thì tôi dậy chị được cái gì?

          Hơn nữa tôi sắp lên Núi Tiên dể “TĨNH TU” với anh Nguyễn Hoàng Lãng Du một thời-gian cho bớt bụi-bặm trong đầu.

          Nếu đắc-đạo thì ở trên núi luôn. Nếu không thì hết thực-phẩm không ăn nổi rễ cây nướng, cỏ luộc mới về.

          Cám ơn chị nhiều

          Reply
  3. HN Tin

    Lòng vị tha, độ lượng bao giờ cũng cảm hóa được lòng người, mặc dù cũng có lúc nó làm ta vô cùng mệt mỏi.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Làm nhà giáo thường đòi hỏi yêu thương, tận-tụy, kiên-nhẫn Nhiều khi tưởng lời mình nói bay mất đi, tưởng việc mình làm không còn ai để ý …rồi bỗng nhiên thấy thành-quả không chờ đợi xẩy tới.
      Cái khó-khăn cần vượt qua nhiều khi không tại học trò mà tại “người lớn” cùng nghề.
      .
      Anh viết ” cũng có lúc nó làm ta vô cùng mệt mỏi”, điều đó đúng nhưng làm thầy thì không bỏ cuộc . Có lẽ anh cũng đi dậy phải không ?

      Tôi đã đọc một số bài thơ của anh như Phân-Vân, Tình Mộng, Anh Ở Đây .. Nhân tiện dịp này, cho tôi cám ơn anh

      Reply
  4. camtucau

    Cám ơn thầy TT đã cho đọc một bài văn hay và có tính giáo dục cả thầy giáo lẩn học trò

    Reply
    1. Thiên Tường

      Chị cũng như NXTT trong những bài viết gần đây đã mang yêu thương vào những gì chung ta viết .
      Thời buổi càng vằn minh thì vật-chất càng làm chai đá lòng người.
      Xin chị nhớ viết mỗi tuần . NXTT là đôc-giả của chị. Thân kính, NXTT

      Reply
  5. nguyen ngoc tho

    Bài viết đầy tính giáo dục, nhất là cách thể hiện ứng xử trong môi trường sư phạm rất thấm, đáng suy gẫm…
    Cảm ơn Anh Thiên Tường về bài viết hay!

    Reply
  6. Giang Nhân

    Cảm ơn Thiên Tường đã có một bài việc đầy ý nghĩa trong công tác dạy chữ và dạy làm người,rất hay và đáng suy gẫm.
    Chúc vui khỏe và hạnh phúc!

    Reply
  7. nguyentiet

    Một bài viết thật hay và rất có ý nghĩa,đáng cho cả trò và thầy cùng đọc.Cám ơn anh Thiên Tường.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cô giáo ơi, trong đời đi dậy của chị chắc chắn không thiếu gì những chuyện cảm-động. Chị viết đi cho mọi người có dịp đọc .
      Mong thay!

      Reply
  8. Quốc Tuyên

    Một ngôi trường có rất nhiều vị giáo sư có tấm lòng: thầy giáo Thiêm, thầy hiệu trưởng, thầy giám thị… chắn chắn kỉ cương sẽ được giữ vững, các em được học hỏi những điều tốt đẹp và trở thành những người có ích cho xã hội anh Thiên Tường nhỉ?

    Reply
    1. Thiên Tường

      Ở nơi nào thì vẫn có những nhà giáo nam, nữ tận-tụy.

      Như anh Giang Nhân đề-cập ở trên Chúng ta cần những nhà giáo dậy chữ và dậy làm người. Chúng ta cần những nhà giáo mang đời sống mình làm lời dậy. Số này không nhiều

      Những nhà giáo có lòng bao giờ cũng nhiều ước-vọng và cô-đơn nhưng họ tìm được hạnh phúc trong những nỗi cô-đơn đó .

      Chị đồng ý không?

      Reply
      1. nguyentiet

        “Những nhà giáo có lòng bao giờ cũng nhiều ước-vọng và cô-đơn nhưng họ tìm được hạnh phúc trong những nỗi cô-đơn đó .”(NXTT)

        NT cũng có suy nghĩ như anh NXTT, NT xin bỏ thêm một lá phiếu đồng ý.

        Reply
      2. Quốc Tuyên

        Những nhà giáo có lòng bao giờ cũng nhiều ước-vọng và cô-đơn nhưng họ tìm được hạnh phúc trong những nỗi cô-đơn đó .(NXTT)
        QT cũng đồng ý với anh nhưng vẫn hy vọng họ không cô đơn trong ngôi trường của mình.

        Reply
        1. Thiên Tường

          Chia vui cùng chị . Chị may-mắn hơn một số anh chị em chúng tôi.
          Nhưng chị nói đúng . Nhà giáo có long không thể hoàn-toàn cô đơn vì còn học trò, còn một số đồng nghiệp có ý-thức

          Reply
          1. nguyentiet

            Anh Thiên Tường nói rất đúng “Nhà giáo có lòng không thể hoàn-toàn cô đơn vì còn học trò, còn một số đồng nghiệp có ý-thức”.

  9. Bích Vân

    Để giữ kỷ cương cho trường lớp thật khó nhất là trong xã hội hiện nay.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Ngày xưa cũng khó lắm chị . Thỉnh thoảng cũng có thầy cô không giữ kỷ-cương mà thầy phụ-trách khuyên học trò phải giữ thì không làm học trò thoải mái lắm đâu .
      Chuyện thật xấy ra như thế này: không có ông hiệu trưởng từ-ái . Nhà giáo vào lớp không biết sao giải quyết, ông buồn bã chẩy nước mắt và cả lớp òa khóc theo .

      Reply
  10. Thu Thủy

    Trong bài viết này đều là những người thầy giáo có tâm huyết với nghề nghiệp, Thầy Huyến vì nóng lòng trước sự xao nhãng bài vở của học sinh nên thốt ra câu nói không có tính sư phạm, đáng lẽ anh ta nên rút lại câu nói, nhưng vì quá bực tức và cũng vì còn trẻ tuổi, và cũng vì tự ái nên làm cho câu chuyện trầm trọng thêm. Thầy thiêm là một người thầy có tấm lòng bao dung, sống hết lòng với học trò, giáo dục các em bằng phương pháp rất sư phạm, ôn hòa, mềm mỏng,phân tích những cái đúng sai cho học sinh, để các em từ đó rút ra kết luận. Còn thầy hiệu trưởng là người xuất hiện sau cùng, ông ta đã dẹp bỏ mọi hiềm khích dể yêu cầu một giáo viên giỏi ở lại vì trường lớp, vì sự nghiệp giáo dục của trường, của làng xóm, của đất nước.
    Thật đẹp đẽ thay, tấm lòng của các thầy giáo đã được anh Thiên Tường nêu lên trong bài viết sâu sắc và ý nghĩa này. Cám ơn anh.

    Reply
    1. Thiên Tường

      Cô giáo là người nhiều kinh-nghiệm có khác. Tôi đọc lời bình-phẩm sâu sắc của cô giáo vài lần rồi đó .
      Chân-thành cám ơn . NXTT

      Reply
    1. Thiên Tường

      Thầy giáo nếu lỡ giận-giữ làm điều không đúng thì cũng nên công khai xin lỗi học sinh . Tinh-thần trách-nhiệm là một điều phải dậy học sinh qua đời sống của mình .

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.