Tản mạn về một chuyến đi Đông Nam Á

I  -Phần Mở Đầu

Trời đầu tháng chín ở tiểu bang miền Đông Nam Hoa Kỳ nầy, vẫn còn oi
bức và nóng lắm. Sáng thứ bảy cuối tuần, theo thông lệ, sau khi cà phê
cà pháo đầy đủ, Bố Mèo vác cái thân gầy còm dài lưng tốn vải ra vườn
để lao động “vinh quang” (!). Anh đem theo ra sân một bình nước đá
lạnh chứa cỡ hai lít nước để uống cầm chừng, ngừa đột quỵ do sức nóng.
Công việc ngoài vườn và chung quanh nhà sao mà lúc nào cũng ê hề, sẵn
sàng đợi anh ra để giải quyết. Cắt cỏ, cắt cây, tỉa cành, quét lá, đổ
rác, vén khéo một góc vườn nhỏ trồng đủ loại hoa của Mẹ Hươu, nhổ cỏ
dại, bắt sâu, bón phân cho mấy cây kiểng, thay cái bóng đèn trong nhà
để xe mà Mẹ Hươu đã năn nỉ ỉ ôi cả mấy ngày rồi vẫn chưa chịu làm…,
công việc nào cũng có ưu tiên riêng của nó. Xui một điều là nhà của vợ
chồng anh ở cạnh nhà một ông Mỹ già rất chăm làm vườn. Cái thảm cỏ nhà
ông ta từ sân trước ra sân sau lúc nào cũng cắt xén cẩn thận, xanh mơn
mởn không có một cọng rác, lá khô hay cỏ dại. Làm Bố Mèo mắc cỡ phát
điên lên, cứ mỗi mười ngày một lần, bất chấp nắng mưa phải nai lưng ra
mà cắt cỏ, để khỏi bị thua thiệt. Người ta bảo gần đèn thì sáng, nhưng
đèn mà sáng quá thì mình đâm mờ mắt! Mà mờ mắt thật! Bố Mèo có cái tật
thích ngủ nướng, tám giờ trời sáng bét mắt vẫn còn nằm ôm gối trong
chăn ngáy như sấm, vợ thoạt đầu tức mình “bầm gan tím ruột”, nhưng dạy
dỗ hoài không đi tới đâu nên riết rồi cũng đành phải “từ bi hỷ xả” bỏ
mặc luôn, chẳng thèm đoái hoài tới nửa lời. Ngủ dậy xong thì cà kê dê
ngỗng, uống cà phê, ăn sáng và đọc báo, mãi đến mười giờ mới ra vườn.
Lúc đó thì mặt trời đã bắt đầu lên cao, nắng chói chan và nóng bỏng
trên lưng, đẩy cái máy cắt cỏ cổ lổ sĩ chừng vài vòng là mồ hôi toát
ra như tắm, mắt đeo kính râm và bình nước uống cạn đến hết một nửa, mà
vẫn còn thấy xây xẩm!

Sau hơn ba tiếng đồng hồ làm việc cật lực ngoài sân, vừa bước vào nhà
thì Mẹ Hươu cho biết:

_ Anh nè, bà Đỗ Quyên rủ mình đi Miến Điện chơi, anh muốn đi không?

Thấy Bố Mèo mặt đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, thở không ra hơi, và chỉ ậm ừ
cho có lệ, Mẹ Hươu thương hại, bảo chồng mau đi tắm cho khỏe để còn ăn
trưa:

_Em mới nấu son bún riêu, chờ anh ra ăn cho vui…

Đã mấy năm nay, Mẹ Hươu có thông lệ về Việt Nam ăn Tết và luôn tiện
thăm cha mẹ nàng còn ở bên đó. Sẵn dịp năm nay Bố Mèo vừa về hưu,
không còn bận rộn với việc làm nữa, và luôn tiện có bạn rủ, nàng dự
tính đi tour Miến Điện xong, thì sẽ bay về Sàigòn thăm cha mẹ nàng
thêm vài tuần, đỡ được một vé máy bay.

Như những lần trước, người viết sẽ nhường lời cho Bố Mèo, một nhân vật
hư cấu, tự kể lại chuyến đi nầy. Các dữ liệu ghi trong bài nầy được
lấy từ nhiều nguồn, mà một phần không nhỏ là từ trên mạng, và hầu hết
các hình ảnh đính kèm được chụp trong chuyến đi nầy.

Vậy là sáu người chúng tôi quyết định đi tour Đông Nam Á chung, như
lần đi Nga và Bắc Âu trước đây. Sau hàng chục cái điện thư và vô số cú
điện thoại giữa các bà với nhau, và giữa ba đứa đực rựa chúng tôi. Hai
anh Văn và Thanh là bạn học cũ của tôi, và hai chị Hồng Linh (HL), Đỗ
Quyên (ĐQ) là hai phân nửa kia hoàn hảo hơn của Văn và Thanh. Tour sẽ
khởi hành khoảng đầu tháng mười một, đi từ thành phố thiên thần Los
Angeles, sang Thái Lan, Lào và Miến Điện. Không tính ngày đi và ngày
về, tour kéo dài 13 ngày, mà thời gian ở Miến Điện dài những 8 ngày.
Do đó coi như viếng thăm Miến Điện là chính trong chuyến đi nầy. Sau
khi hết tour, chúng tôi sẽ về Sàigòn thêm một tuần, với mục đích chính
là đi Campuchia vài ngày, vì giá vé du lịch mua từ Sàigòn rẻ hơn. Công
ty du lịch lo hết các dịch vụ xin giấy chiếu khán. Đi Thái Lan không
cần visa. Về phần nước Lào thì khi đến phi trường nhập cảnh ở Lào mới
cần làm. Công ty du lịch bảo rằng lệ phí visa ở Lào là 10 USD, nhưng
khi đến phi trường Luang Prabang, thì lệ phí đã tăng lên 35 USD cộng
thêm tiền hành chánh 1 USD, nâng chi phí lên 36 USD cho một visa nhập
cảnh. Riêng Miến Điện thì phải làm đơn xin (trong đó họ hỏi rõ nghề
nghiệp và nơi làm việc của mình), đóng tiền và gởi bản chánh hộ chiếu
cho công ty du lịch, để họ chuyển về tòa đại sứ Miến Điện ở Hoa Thịnh
Đốn. Theo công ty du lịch thì phải mất ít nhất 3 tuần mới có được
visa.

Sau khi đã nộp đầy đủ tiền cho công ty du lịch để ghi danh đi tour
nầy, một hôm ông bạn Thanh gọi điện thoại cho tôi và nêu lên thắc mắc
“không biết mình có nên đi du lịch Miến Điện không, vì nghe nói là
không an toàn”. Tôi phải thú thật với bạn đọc là tôi cũng rét lắm và
cũng có mối lo nầy, nhưng không dám nói ra. Để tự trấn an, và trấn an
mọi người, tôi vào trang web của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dành cho công
dân Mỹ đi du lịch nước ngoài. Để coi xem Miến Điện có nằm trong danh
sách các nước mà Bộ Ngoại Giao khuyến cáo không nên viếng hay không?
Đọc đi đọc lại hai ba lần, vẫn không thấy Miến Điện nằm trong danh
sách nầy nên mới bớt lo. Vào mạng đọc chơi cho biết thì thấy hiện có
rất nhiều công ty quảng cáo du lịch ở Miến Điện. Từ đó suy ra phải có
một mức độ an toàn nào đó mới khiến các khách du lịch bỏ tiền ra đến
viếng xứ nầy đông như vậy?

Vào đầu tháng mười, khoảng 5-6 tuần trước khi tour khởi hành, chúng
tôi đọc báo và coi TV thấy ở Thái Lan đang bị lụt nặng. Nước lụt đã
tràn vào phi trường Don Mueang ở Bangkok. Nhiều vùng ở thủ đô Bangkok
đã bị ngập lụt, và trung tâm thành phố đang bị đe dọa. Ở nhiều nơi, cá
sấu và rắn đã bò vào nhà dân. Năm nay 2011, nhiều nước ở Đông Nam Á đã
bị lụt lội tàn phá. Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam
đều bị. Phi Luật Tân bị thiệt hại nhiều do hai cơn bão lớn Nesat và
Nalgae. Ngoài thiệt hại kinh tế và mùa màng, thiệt hại nhân mạng cũng
khá cao. Cho đến gần cuối tháng mười năm nay, số người chết đã lên đến
595 người ở Thái Lan, 250 người ở Campuchia, 215 người ở Miến Điện.
Việt Nam có 78 người thiệt mạng, và Lào 34 người. Mỗi năm, cũng giống
ở bên Mỹ, mùa bão lụt ở Đông Nam Á kéo dài đến cuối tháng 11 dương
lịch mới hết. Vậy mà chúng tôi lại chọn đúng cái tour còn nằm trong
mùa bão để đi!!!  Khi tôi đang viết bài nầy thì có tin bão Washi đã
tàn phá đảo Mindanao ở Phi Luật Tân vào giữa tháng 12 năm 2011, làm
thiệt mạng 1249 người, và hơn 1000 người bị mất tích.

Các hình ảnh lụt lội ở Bangkok, và các tin xấu được chuyển lên mạng để
cho cả thế giới biết. Chánh phủ của tân thủ tướng mới nhậm chức cách
đó không lâu, bà Yingluck Shinawatra, bị chỉ trích từ mọi phía vì tình
trạng lụt lội kéo dài. Người ta lo sợ thủy triều ở cao điểm sẽ làm cho
nước lụt dâng cao hơn, nhưng điều nầy đã không xảy ra. Ở Phố
Tàu/Bangkok có tin các du khách bị mắc kẹt tại đó, lội nước đi dạo
phố. Chính phủ Nhật Bản dự trù sẽ cấp giấy nhập cảnh cho hàng ngàn
công nhân Thái trong ngành điện tử hiện đang làm tại các xí nghiệp
Nhật được tạm thời sang Nhật làm, để khỏi đình trệ việc sản xuất máy
móc, v.v…

Những tin tức nầy không ít thì nhiều cũng gây hoang mang cho chúng
tôi. Và để bắt chước Shakespeare, to go or not to go, đó là cả một câu
hỏi lớn! Gọi cho hãng du lịch thì họ bảo sẽ đi đúng theo lịch trình.
Khoảng một  tuần trước ngày đi, tôi vào trang web của Thailand Tourism
Update thì được biết phi trường quốc tế ở Bangkok vẫn hoạt động bình
thường, và vùng Chiang Mai nơi chúng tôi sẽ đến, hoàn toàn khô ráo.
Vậy là thở phào nhẹ nhõm.

II  -Thái Lan

1  -Chiang Mai

Sau một chuyến bay dài 18 tiếng từ Los Angeles vượt qua Thái Bình
Dương, chúng tôi đến phi trường quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok vào lúc
6:30 sáng. Từ trên máy bay nhìn xuống mới thấy thảm họa ngập lụt nầy
lan rộng đến mức nào. Đâu đâu cũng chỉ  là những cánh đồng ngập nước.
Tầm nhìn từ cửa sổ máy bay cũng rất hạn chế. Những con đường lớn cũng
có xe cộ dập dìu. Các khu dân cư mà tôi thấy được tương đối khô ráo…

Phi trường Suvarnabhumi là phi trường bận rộn hạng ba ở Đông Nam Á, và
là phi trường lớn nhất ở Thái Lan. Đây là một phi trường hiện đại,
được khánh thành tháng 9 năm 2006, để thay thế phi trường Don Mueang
(hiện đang được sử dụng cho các chuyến bay nội địa). Phi trường được
bao bọc bằng một con đê  bằng đất cao 3m và dài 23,5 km, song song với
một hệ thống kinh đào để ngừa lụt. Ngoài ra còn có 2 trạm bơm nước với
tổng số 8 máy bơm ở phía Nam của phi trường. Nghe nói trong thời gian
xây cất phi trường nầy, nhiều công nhân và thợ xây cất đã gặp ma và
tin rằng nơi đây bị ma ám, làm đình trệ công việc xây cất, nên chính
quyền đã cho mời 99 vị sư đến tổ chức một buổi lễ Cầu An cho các công
nhân và Cầu Siêu cho các vong linh và oan hồn đang lẩn quẩn trong vùng
đó được sớm đi đầu thai.

Chúng tôi chỉ tạm dừng chân ở Bangkok để làm thủ tục di trú và hải
quan, rồi sau đó đáp máy bay nội địa để đi Chiang Mai. Đoàn chúng tôi
gồm 21 người, tính luôn anh trưởng đoàn của công ty du lịch. Buổi ban
đầu mới gặp gỡ vì chưa quen biết nhau, và có lẽ vì đang rất mệt mỏi
sau một chuyến bay dài, nên cũng chẳng ai chào ai. Ai cũng giữ một sự
im lặng… thân thiện.

Lại thêm một chuyến bay nữa, lần nầy ngắn hạn, và rồi chúng tôi cũng
đến Chiang Mai, vào lúc 10:00 sáng. Người hướng dẫn địa phương là anh
Praphan. Anh cho chúng tôi biết Chiang Mai, tự nó có nghĩa là thành
phố (chiang) mới (mai). Vì cũng đã gần trưa, mặc dầu chỉ mới 11:00
sáng, và cũng vì khách sạn chưa cho check-in vì còn quá sớm, chúng tôi
được đưa đi ăn trưa ở một shopping mall có tên là Central Plaza Chiang
Mai Airport , khá hiện đại, có máy lạnh và máy điều hòa không khí mát
rượi, gần phi trường. Chúng tôi ai cũng vừa được cho ăn trên máy bay
rồi nên cũng không đói lắm. Các tiệm ăn nằm ở một khu vực riêng, gọi
là Lanna Food Pavillion, ở lầu 4 của toà nhà. Mỗi người được phát một
phiếu ăn trị giá 100 baht, tương đương 3,5 USD. Muốn ăn món gì thì cứ
đến từng mỗi tiệm chọn lựa rồi đưa phiếu trả tiền cho họ khấu trừ. Nếu
tiêu không hết thì đem phiếu đến quầy tính tiền chính để được bồi hoàn
số tiền còn lại. Nói chung chung để dễ hiểu là giữa thực khách và tiệm
bán thức ăn không có sự trao đổi tiền mặt. Các tiệm ăn và tiệm giải
khát ở đây được tổ chức theo mô hình food court mà chúng ta thường
thấy ở Mỹ. Tất cả thức ăn đều là món Á châu, đa số là món Thái, được
bày bán ở các tiệm.

 

Tiệm cơm gà ở Lanna Food Pavillion                        Chè khoai môn

Mỗi tiệm chỉ bán một hoặc hai thứ thức ăn mà thôi. Thức ăn gồm có
nhiều món khác nhau như gỏi đu đủ xanh, hủ tíu, mì, cơm gà, chân và
móng heo hầm, các loại thịt nướng hoặc thịt quay, pad thái, đồ tráng
miệng như chè, chuối nướng, khoai mì ngào đường, v.v… Thức ăn chỉ tàm
tạm vừa miệng để ăn, chớ không ngon như ở các tiệm ăn ngoài phố. Ít
thấy ai trong đoàn ăn gỏi, hoặc các thức ăn chưa nấu chín, vì sợ “lạnh
bụng”, dễ bị tiêu chảy… Ăn trưa xong, lợi dụng còn dư chút thì giờ,
một số người trong đoàn xuống tầng hầm có bán trái cây tươi để mua ổi,
mận và xoài đem về khách sạn ăn. Một số các chị “thơ thẩn” lạc vào các
khu shopping, và đám đực rựa chúng tôi, với “nỗi sầu vạn cổ”, trong
những dịp bị cho ngồi chầu rìa như thế này, tìm mấy cái ghế dài đặt
rải rác gần lối đi, ngồi nghỉ chân và tán dóc giết thì giờ.

Đa số lượng du khách đến viếng Thái Lan thường chọn thủ đô Bangkok,
đảo Phuket thơ mộng ở hướng Tây Nam Thái, hay thành phố Pattaya sát bờ
biển, nằm ngay trong Vịnh Thái Lan, để làm điểm dừng chân. Nhưng ít ai
biết Chiang Mai là thành phố văn hóa lớn nhất ở Bắc Thái, nằm 700 km
về phía Bắc của thủ đô Bangkok. Nơi đây có những ngọn núi cao nhất của
Thái Lan. Vì là thành phố miền núi, nên không khí ở Chiang Mai mát và
trong lành hơn. Chiang Mai (đọc theo tiếng Thái là Siêng Mài) là thủ
đô của tỉnh Chiang Mai, xưa kia là vương quốc Lanna (1296- 1939),
trải qua nhiều triều đại khác nhau. Mỗi năm thành phố nầy tiếp đón gần
5 triệu du khách đến viếng. Lúc chúng tôi đến, đúng vào mùa lễ hội Loi
Kratong, nên tất cả các khách sạn đều đông khách, và vài người trong
đoàn chúng tôi phải ở một khách sạn khác, vì hết chỗ. Hằng năm vào mùa
lễ nầy hàng vạn người làm những thuyền nhỏ bằng lá chuối (gọi là
krathong), bỏ hoa thơm và đốt một ngọn nến nhỏ trên đó, rồi thả trôi
trên tất cả các con nước khắp thành phố để cúng Thần Nước. Ngoài ra họ
cũng thả lồng đèn bay (khom fai hay kom loi) làm bằng giấy nhẹ, vào
buổi tối trông rất đẹp mắt. Các lồng đèn được đốt lên để trang hoàng
nhà cửa, tiệm buôn, hoặc được thả bay lên trời để đem đi các phiền
muộn lo âu trong cuộc đời của chủ nhân các lồng đèn đó. Đoàn chúng tôi
được anh Praphan hứa sẽ cho đi xem lễ thả thuyền đèn krathong  trên
sông nếu có thì giờ.

Khách sạn chúng tôi ở, nằm ở ngoại ô thành phố Chiang Mai có tên là
Tamarind Village and Resort. Mặc dầu nằm giữa một khu ngoại ô sầm uất
và đông đảo, khách sạn là một ốc đảo yên tịnh gồm có vài dãy nhà trệt,
gồm có nhiều phòng liền nhau, xây theo kiểu kiến trúc xưa. Ở giữa các
dãy nhà là những thảm cỏ xanh được cắt xén cẩn thận, có trồng nhiều
cây cổ thụ cho bóng mát, và những khóm hoa xinh xắn. Phòng khách nghỉ
được mở và khóa bằng một cái chìa khóa lớn, dài gần 10 cm. Bước vào
phòng có mùi ẩm mốc, mặc dầu đã mở máy lạnh. Mùi ẩm mốc có thể do vùng
nầy bị ngập lụt trước đó vài tuần. Nền nhà bằng xi măng chà láng,
không lát gạch. Căn phòng tương đối sạch sẽ và đầy đủ các tiện nghi
tối thiểu, nhưng nội thất được trang trí thô sơ, gồm một chiếc giường
lớn, một cái bàn gỗ cũ kỹ với một cái ghế mây. Ở hai bên đầu giường là
hai cái cái bàn kê đèn cũng bằng mây. Đèn trên trần nhà và đèn hai bên
giường lù mù chỉ vừa đủ sáng để sinh hoạt, và di chuyển trong phòng.
Muốn đọc sách phải đưa sách gần đèn ở đầu giường mới thấy chữ rõ ràng.
Khách có cảm tưởng như đi thụt lùi thời gian về một quá khứ nào đó
được miêu tả trong sách vở và phim ảnh, khoảng bảy, tám mươi năm về
trước. Gần về sáng, khách được đánh thức bằng tiếng gà gáy đâu đó hoặc
từ trong khuôn viên khách sạn hoặc từ các căn nhà nằm trong hàng xóm,
chỉ cách một bức tường…

Wat Prathat Doi Suthep

Sau khi check-in, chúng tôi được nghỉ ngơi ở khách sạn khoảng hai
tiếng để tránh cơn nắng trưa, rồi vào khoảng 3:30 chiều, chúng tôi leo
lên xe bus để đi thăm Wat Prathat Doi Suthep. Vì buổi trưa rất nóng,
thời gian thích hợp nhất để viếng thăm Doi Suthep là buổi sáng và buổi
chiều. Wat trong tiếng Thái là đền thờ. Đây là một ngôi đền Phật Giáo
Theravada của Thái Lan, nằm trên ngọn đồi Doi Suthep, nằm cách Chiang
Mai 15 km về hướng Tây Bắc, rất nổi tiếng ở vùng nầy. Người dân địa
phương rất hãnh diện về ngôi chùa nầy, và nói rằng khách đến đây mà
chưa đi viếng Doi Suthep là coi như chưa đến Chiang Mai. Gọi nôm na là
đồi, chớ thật ra đây là một trái núi thấp. Đưòng lên núi khá đẹp. Bên
triền núi phía tay trái thỉnh thoảng có những cây điệp (?) hoang, với
bông màu vàng nghệ rực rỡ. Lá giống như lá điệp nhưng lớn hơn và tròn
hơn.

Cây điệp (?) vàng ở vùng Chiang Mai
Chedi thờ xá lợi Phật ở Wat Prathat Doi Suthep

Theo anh Praphan, người hướng dẫn viên, thì đối với người Thái, đây là
một nơi thờ phượng linh thiêng, và hằng năm vào các lễ Phật Giáo lớn,
các thiện nam tín nữ  nếu có đủ sức khỏe thì từ sáng sớm đã đi bộ từ
nhà riêng của mình ở Chiang Mai đến ngôi chùa nầy để cúng bái. Vì con
số Phật tử đi dự lễ quá đông, vào các ngày lễ lớn đó, người ta cấm
không cho xe chạy lên núi. Ai không đủ sức leo lên đồi thì phải đi
bằng xe lên chùa ngày hôm trước, và ở lại đêm trên đó. Anh cho biết
lúc còn ở tuổi trai tráng, anh thường chạy bộ lên núi mỗi năm ít nhất
một lần. Tất cả xe chạy lên núi đều phải dừng lại ở bãi đậu xe nằm ở
dưới chân đền thờ. Từ đây khách phải leo thêm 309 bậc thang nữa mới
vào được chốn thờ phượng. Trước khi bước vào bên trong đền thờ, khách
phải tháo giày dép để bên ngoài, và chỉ được đi chân không mà thôi.
Hiện nay khách có thể sử dụng xe điện trên đường rầy, để được kéo lên
đỉnh đồi. Giá vé khứ hồi cho một người là 30 baht  tiền Thái. Từ trên
đỉnh núi, sau khi chiêm bái, khách có thể phóng tầm nhìn bao quát về
cảnh vật bên dưới. Thành phố Chiang Mai có thể được nhìn thấy rõ ràng
về hướng Đông Nam.

Người ta tin rằng ngôi tháp đầu tiên được xây vào khoảng năm 1383 để
chứa xá lợi xương vai của Phật. Theo truyền thuyết, một nhà sư tên
Sumanathera ở Sukhothai, trong lúc nằm mơ, được báo mộng phải đến một
nơi tên là Pang Cha để tìm ra xá lợi của Phật. Nhà sư nầy đến đó và
quả nhiên tìm ra một mảnh xương vai của Đức Phật. Mảnh xương xá lợi
nầy có thể tự nó sáng rực lên, có thể tự biến mất, hay tự động di
chuyển, và tự phân chia thành nhiều mảnh khác. Nhà sư liền đem xá lợi
đến trình lên vua Dharmmaraja lúc đó đang trị vì vương quốc Sukhothai
ở Trung Bắc Thái Lan. Đến khi được vua xem đến thì xá lợi không biểu
dương được môt khả năng mầu nhiệm nào cả . Nhà vua không tin đó là xá
lợi thật của Phật và bảo sư Sumanathera hãy đem về mà cất giữ lấy.

Tượng thờ Voi Trắng ở Doi Suthep (hình Internet)
Một nhà vua khác tên Nu Naone thuộc vương quốc Lanna, khi nghe tin nầy
liền cho triệu sư Sumanathera đem xá lợi đến cho mình xem. Với sự đồng
ý của vua Dharmamaraja, nhà sư Sumanathera liền đem xá lợi đến Lamphun
để trình cho vua Nu Naone. Xá lợi tự động tách làm đôi. Mảnh nhỏ nhất
được thờ ở đền Wat Suan Dok. Mảnh lớn hơn, cỡ một hạt gạo, được vua Nu
Naone đặt lên lưng một con voi trắng, và sau đó thả voi vào rừng. Con
voi nầy vượt rừng, leo lên đỉnh núi Doi Suthep, rống lên ba tiếng
trước khi lăn ra chết. Nhà vua Nu Naone coi như đó là một điều linh
ứng, điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, nên cho khởi công xây đền
thờ xá lợi Phật ở ngay chỗ con voi nằm xuống. Từ năm 1383 đến nay, đền
thờ nầy đã được xây cất và nới rộng thêm ra với sự cộng thêm của nhiều
Phật điện lớn nhỏ, chứa đựng rất nhiều tượng Phật. Các Phật tử đến đây
hành lễ thường thực hiện nghi thức đi bộ chung quanh bảo tháp lớn nhất
theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa đọc kinh, và tay cầm một cành hoa
sen trắng. Tháp nầy được dát vàng, và đâu đó, được chôn sâu trong
tháp, hay dưới tháp là xá lợi xương vai Phật, nhỏ bằng hạt gạo, từ
cuối thế kỷ XIV đến nay. Đặc biệt tại đền thờ nầy, gần bảo tháp, có
một bản sao của tượng Phật Ngọc Bích (Emerald Buddha). Bản chính hiện
đang được thờ tại Chùa  hoàng gia Wat Phra Kaew trong cung điện vua ở
Bangkok.
Bản sao tượng Phật Ngọc Bích

Tối hôm đó chúng tôi được ăn tối và xem biểu diễn văn nghệ gồm ca vũ
nhạc cổ truyền của Thái ở nhà hàng Khum Khantoke, hầu như chỉ dành
riêng cho du khách nước ngoài. Khách phải cởi bỏ giày dép để bên
ngoài, trước khi bước vào khu ăn uống và trình diễn văn nghệ. Thông
thường các dịch vụ ăn uống ở những địa điểm du lịch như thế nầy không
tốt lắm, chỉ trung bình hoặc dưới trung bình. Thật ra thì cũng dễ hiểu
mà thôi. Thức ăn nấu hàng loạt cho hàng trăm người theo một thực đơn
đặt sẵn theo giá vé vào cửa, thì không thể nào ngon được. Sau khi tất
cả thực khách trong nhà hàng ăn xong, các màn trình diễn văn nghệ được
khởi đầu. Các màn vũ dân tộc được biểu diễn lộ thiên ở ngoài sân, trên
một khoảng trống ở giữa các bàn ăn. Vì đã gần 36 tiếng chưa được ngủ,
tôi đã làm một việc thật phản văn hóa. Mặc tiếng trống dồn dập, và
tiếng đàn réo rắt, với sự đồng lõa của cơn gió mát thổi hiu hiu, tôi
ngồi tựa đầu vào một chiếc cột mà ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Mãi
đến lúc các vũ công đi trình chào và chụp hình chung với quan khách,
tôi mới tỉnh dậy.

Nhìn lên nền trời xa xa ở trung tâm thành phố Chiang Mai, người ta đã
bắt đầu thả lồng đèn bay khom fai rợp một bầu trời thật đẹp. Trông đẹp
như hoa tuyết giữa mùa Đông nhưng ấm cúng hơn, và không cần phải phục
sức hàng lớp áo dày cộm để đứng ngắm.

Đến lúc về đến khách sạn thì cũng đã gần khuya. Không một ai trong
đoàn còn lòng dạ và can đảm nào để đi xem thả thuyền hoa đăng trên
sông!

Wat Chet Yot

Đây là một ngôi chùa nằm về hướng Tây Bắc của trung tâm thành phố
Chiang Mai, được xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15, phỏng theo mô hình
của đền Mahabodhi ở Bagan, Miến điện và đền Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo
Tràng, một thành phố  thuộc quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Tại nơi nầy, năm
1455, nhà vua Tilokarat đã trồng một cây bồ đề, rồi sau đó cho khởi
công xây chùa.  Năm 1977 Hội Nghị Phật Giáo Thế Gìới lần thứ 8 đã nhóm
họp tại đây. Đại bảo tháp Maha Chedi là một cấu trúc có bảy tháp nhỏ ở
bên trên.Trên nóc bằng phẳng của một cấu trúc hình chữ nhật thật lớn
là bảy (Chet trong tiếng Thái có nghĩa là bảy) tháp nhỏ. Năm trong số
tháp nầy có đỉnh nhọn, và hai tháp kia có đỉnh tròn hình quả chuông.
Phía bên ngoài của cấu trúc nầy có khắc 70 devas (thần linh Ấn độ
giáo). Một số khuôn mặt của các tượng nầy được khắc theo hình của vua
Tilokarat và các người thân thích của ông ta. Bên trong Maha Chedi là
một hành lang nhỏ có vòm tròn, thờ một tượng Phật ở cuối phòng.

Đại bảo tháp Maha Chedi ở Wat Chet Yot
Tượng Phật bên trong Maha Chedi

Trong khuôn viên rộng lớn của đền nầy, còn có rất nhiều phù đồ (chedi)
nhỏ hơn với đỉnh tròn, và ở bốn hướng có thờ tượng Phật. Một số các
tháp nầy đã hoang tàn và đổ nát với thời gian. Một trong số các phù đồ
nhỏ nầy có chứa tro hỏa táng của vua Tilokarat.

Trung tâm sản xuất dù Bor Sang

Quận San Kamphaeng ở ngoại ô Chiang Mai nổi tiếng về tơ lụa. Ở tại
quận nầy, trong ngôi làng Bor Sang có nhiều trung tâm sản xuất dù bằng
lụa rất đẹp. Hàng năm có các ngày lễ hội được tổ chức trên con đường
chính của làng, trong đó có trình diễn  văn nghệ và thi hoa hậu Bor
Sang.

Những chiếc dù Bor Sang đầy màu sắc

Mặt tiền của trung tâm Borsang

Từ cổng chính vào, khách sẽ được hướng dẫn đi xem các nghệ nhân chế
tạo dù từ việc chẻ tre làm sườn dù, đến cách sử dụng các thuốc nhuộm
màu lụa, và sau đó vẽ các hoa văn lên lụa. Đặc biệt ở khâu vẽ nầy,
khách có thể chọn một mẫu vẽ nhỏ mình thích, rồi để các nghệ nhân ở đó
vẽ ngay lên áo hoặc quần mình đang mặc trên người để giữ làm kỷ niệm.
Giá cả không mắc, và chỉ trong vòng mười phút khách đã có một cánh hoa
cúc, hoặc một con rồng đang uốn éo ngay trên áo hoặc cái quần jean của
mình. Họ bảo đảm các hình vẽ nầy không phai màu, dù áo quần được giặt
trong máy. Khách cũng có thể tản bộ vào gian hàng bán những sản phẩm
bằng lụa do trung tâm nầy sản xuất. Vào đây, khách có cảm tưởng như
đang lạc vào một thế giới đầy dù. Những chiếc dù đa dạng, và nhiều màu
sắc khác nhau được treo từ trên trần nhà, trên tường, hoặc chung quanh
các tủ gỗ đặt khắp căn phòng rộng lớn. Tất cả các hình vẽ trên dù đều
được thực hiện bằng tay. Dù xếp lại cũng được sắp thành từng dãy dài
đặt dưới đất cao cả thước. Vào trong gian hàng nầy khách được tự do
chụp hình tất cả các mẫu dù có màu sắc tuyệt đẹp mà không bị cấm cản.
Ở đây cũng có nhiều bức tranh lụa được bày bán, đặc biệt là tranh vẽ
một người đàn bà Kayan Lahwi mà chúng tôi đã gặp ở Nai Soi. Càng lạ
hơn nữa, là khi sang đến Miến Điện, chúng tôi cũng có thấy người ta
dùng poster có hình của bà nầy để quảng cáo du lịch.

2  -Chiang Rai

Chiang Rai là một thành phố cực Bắc của Thái Lan, ở sát biên giới với
Miến Điện, nằm cách thành phố Chiang Mai 200 km về hướng Tây Bắc. Dân
số khoảng 200 ngàn người, trong đó 12.5% là dân tộc thiểu số miền núi
gồm có các bộ tộc Karen, Akha, Lisu, Meo và Muser. Trước đây, nhiều
người Trung Hoa, đặc biệt  từ Vân Nam, đã đổ xô về đây sinh sống , và
với thời gian đã đồng hóa với người Thái. Hơn một nửa các doanh nghiệp
lớn ở Bắc Thái, nằm trong tay các người Thái gốc Hoa nầy.

Chiang Rai (đọc theo phát âm của người Thái là Siêng Roai) là thủ đô
của đế chế Mengrai từ năm 1262. Về sau vùng đất nầy bị Miến Điện chiếm
và cai trị suốt mấy trăm năm, cho đến năm 1786 thì trở thành nước chư
hầu của Chiang Mai. Sau khi nước Xiêm La (tên cũ của Thái Lan) sát
nhập Chiang Mai vào đất cai trị của họ năm 1899, thì Chiang Rai trở
thành một tỉnh của Thái Lan năm 1933. Năm 1432, có một trân động đất
lớn làm sập đền thờ Wat Phra Kaew ở Chiang Rai, để lộ ra bức tượng
Phật Ngọc  Bích, mà người Thái rất sùng bái, trong đống gạch vụn.
Tượng nầy sau đó được đem về thờ tại chùa Wat Phra Kaew nằm trong cung
điện vua, ở Bangkok.

Đường từ Chiang Mai đi Chiang Rai rất đẹp. Vừa ra khỏi Chiang Mai
không bao lâu là đã thấy ruộng đồng hai bên đường. Con đường từ từ lên
dốc, và chẳng mấy chốc khách đang đi giữa những cánh rừng hoang dày
đặc những cây cổ thụ, xen kẽ với những rừng tre hoặc rừng chuối bát
ngàn. Rừng ứa ra tận đường cái, với cỏ lau cao có đoạn gần tới cổ
người, mọc lấn vào đám sỏi đá hai bên lòng đường tráng nhựa. Hôm đó
trời âm u, với sương mù bao phủ lên đầu các ngọn chuối, và thỉnh
thoảng có một cơn mưa phùn làm lòng người bỗng thoáng chùng lại. Có
những con suối len lỏi trong rừng cây, khi ẩn khi hiện, chừng như chạy
dọc theo con đường xe chạy, phía trìền núi bên trái ở những vùng đất
thấp. Lâu lâu ở một vài thung lũng nhỏ, có một vài nhà của dân, nấp
sau những bụi chuối xanh mướt, với những đàn gà đi kiếm ăn, hay những
con chó ngồi chễm chệ trên hai chân sau, sủa vu vơ khi thấy xe chạy
ngang…Xe vừa đổ dốc từ trên núi xuống không bao xa, thì ngừng lại ở
một địa điểm suối nước nóng nổi tiếng ở vùng nầy, Maikotchan, để chúng
tôi nghỉ ngơi, và duỗi chân cẳng. Đi toilet ở đây không mắc lắm, chừng
5 baht một lần. Phòng vệ sinh được giữ sạch sẽ, không có mùi hôi, và
có chỗ rửa tay với xà bông và nước ấm đàng hoàng. Khuôn viên của địa
điểm nầy rất rộng rãi, với một bãi đậu xe thật lớn, nhiều hàng quán
bán thức ăn, cà phê, và đồ lưu niệm. Bên trong hết là một công viên
nhỏ, với những thảm cỏ xanh mướt, nhiều khóm hoa xinh đẹp, một hai
dòng suối nước nước nóng bốc hơi, từ lòng núi chảy ra. Bắt ngang qua
suối là vài chiếc cầu Nhật nhỏ, trông rất thơ mộng. Ngoài ra còn có
những gánh bán quà vặt như chuối nướng còn nóng hổi, bỏ vào miệng bỏng
cả lưỡi, các loại trứng như trứng cút, trứng gà hoặc trứng vịt đựng
trong giỏ tre, thả xuống bồn nước nóng thiên nhiên đang bốc khói để
luộc chín. Các trứng nầy vừa luột chín tới, ăn còn nóng phải vừa thổi
vừa nhai ngấu nghiến. Trong cái không khí se lạnh của núi rừng, và màn
sương mỏng buổi sáng sớm, khách có thể lót lòng với vài quả trứng gà
chấm tiêu muối, tráng miệng với dăm sáu trái chuối nướng thơm lừng,
rồi ngồi nhâm nhi một tách cà phê đen với vị đắng tê cả đầu lưỡi, để
ngỡ mình đang lạc vào một chốn bồng lai an lạc nào đó. Vì nằm trên núi
nên địa điểm nầy được quảng cáo là suối nước nóng cao nhất ở Thái lan.

Suối nước nóng Maikotchan trên tuyến Chiang Mai- Chiang Rai

Anh Praphan là một người đàn ông trung niên, có tài ăn nói khá lôi
cuốn. Anh nói tiếng Anh rành rọt, nhưng phát âm đôi lúc không chuẩn
lắm, nên có khi cũng khó hiểu.

Praphan hiểu nhiều và biết rộng về quê hương của anh, nhất là vùng
Chiang Mai. Anh cho biết ngày trước anh cũng đã từng vào chùa tu trong
vòng sáu tháng, trước khi lấy vợ. Ở Thái Lan các thanh niên đi tu một
thời gian trước tuổi lập gia đình. Ở Lào và Miến Điện, thì một người
đã có vợ con vẫn thỉnh thoảng vào chùa tu, nếu có sự đồng ý của người
vợ. Ở các vùng nông thôn ở Campuchia, con trai đi hỏi vợ phải cho nhạc
gia tương lai của mình biết lúc trước tu ở chùa nào. Ở các nước theo
Phật giáo Tiểu Thừa như Tích Lan, Campuchia, Lào, Thái Lan, và Miến
Điện thường có thông lệ xuất gia nầy dành cho các thanh thiếu niên. Ở
một vài nơi, các thiếu niên vào chùa tu trong dịp hè, để khỏi làm gián
đoạn chương trình học vấn của mình. Khi đi tu, người thanh thiếu niên
phải sinh hoạt không khác gì các tu sĩ thực thụ trong chùa. Họ cũng
phải cạo đầu, đi chân không, và được cấp phát y bát giống các sư khác;
phải thức khuya, dậy sớm để tham dự các thời kinh trong ngày, phải cầm
bình bát đi khất thực hằng ngày, và phải nhịn ăn sau bữa ăn chính ngọ.
Sau khi đi khất thực về, thức ăn được chia đều cho mọi người để tránh
tình trạng người được cho nhiều kẻ được cho ít, và kẻ được cho ít phải
nhịn đói. Ở các nước Phật giáo Tiểu Thừa, các thầy tu không bị bắt
buộc phải ăn chay, nên họ có thể ăn thịt cá nếu được cúng dường.

Ở Chiang Rai cũng như ở Chiang Mai,  trên các đường phố, có rất nhiều
hình ảnh của vua và hoàng hậu được trưng bày một cách trang nghiêm.
Dân chúng Thái Lan rất tôn sùng hoàng gia của họ. Hiến pháp Thái cấm
nói xấu quôc vương Thái. Gần đây nhất, vào ngày 09 tháng 12 năm 2011,
một người Mỹ gốc Thái  tên Lerpong Wichaikhammat (tên Mỹ là Joe
Gordon) đã bị tòa án Thái phạt 30 tháng tù về tội nói xấu nhà vua.
Cách đây vài năm, ông nầy dịch một cuốn sách bằng tiếng Anh sang tiếng
Thái, rồi phổ biến trên mạng. Sách nầy nói xấu vua Thái Lan. Khi ông
ta từ Mỹ về Thái Lan, thì bị bắt và đưa ra tòa.

Wat Rong Khun

Đây là ngôi chùa trắng nổi tiếng nằm cách Chiang Rai 13km về hướng
Nam, một ngôi đền với nét kiến trúc hiện đại và độc đáo vì có pha trộn
các sắc thái của Phật giáo và Ấn Độ giáo (hinduism). Chùa được khởi
công xây cất năm 1997, và gần như tạm hoàn thành vào

Ngôi Chùa Trắng Wat Rong Khun ở Chiang Rai

năm 2008. Thật ra cho đến nay, chùa vẫn còn được tiếp tục xây cất
thêm, tùy theo khả năng tài chánh của ông Chalermchai Kositpipat, năm
nay 56 tuổi, một họa sĩ tài danh và giàu có, nổi tiếng khắp thế giới.
Ông ta là người Mạnh Thường Quân đã bỏ tiền riêng của mình để xây cất
công trình nầy. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết của Đức Phật,
và các mảnh gương trắng đính trên tường, hoặc trên các tượng bằng xi
măng trắng, tượng trưng cho trí tuệ vô biên của Ngài, chiếu sáng khắp
trái đất và vũ trụ.

Golden Triangle hay Tam Giác vàng

Tam Giác Vàng là một vùng rừng núi hiểm trở, rộng khoảng 950.000 cây
số vuông, nằm giữa biên giới ba nước Thái Lan, Lào và Miến điện, trước
đây nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn hạng nhì thế giới sau
Afghanistan. Nơi đây vào thập niên 70 của thế kỷ XX, là sào huyệt của
trùm thuốc phiện Khun Sa khét tiếng (còn có tên là Chang Chi-fu), một
người Hoa gốc Hán. Cảnh sát Thái Lan đã nhiều lần truy lùng vào tận
sào huyệt, nhưng vẫn không bắt được tay trùm nầy, vì ông ta trốn thoát
được. Khun Sa sau nầy đào thoát sang Miến Điện, và năm 1996 ra đầu thú
với chính quyền Miến, rồi được cho phép ở lại nước nầy. Năm 2007 Khun
Sa chết ở đó, nghe nói vì bệnh. Cái tên Tam Giác Vàng còn được dùng để
chỉ nơi gặp gỡ của hai con sông Ruak và Mekong. Hiện nay thuốc phiện
không còn được trồng ở đây nữa, và được thay bằng những thửa ruộng tốt
tươi, và những vườn cây ăn trái. Ngoài ra vùng đất nầy đã trở thành
một trung tâm du lịch nổi tiếng với nhiều khách sạn sang trọng. Khách
ở Thái Lan có thể dùng ghe nhỏ sang bên kia sông thuộc Miến Điện để
chơi cờ bạc ở các sòng bài hiện đại.

Khu Tam Giác Vàng, nơi gặp gỡ của hai sông Ruak và Mekong

Dọc theo bờ sông ở địa phận Thái Lan, có những khu thương mại sầm uất,
bán đồ lưu niệm cho du khách, các quán nước, các trung tâm giải trí,
v.v.., và đường phố tấp nập xe qua lại.

Bộ tộc người cao cổ Karen

Ban Mai Nai Soi là một trong ba trại tị nạn ở Mae Hong Son, vùng Bắc
Thái, không xa Chiang Rai lắm, nơi có khoảng 520 người Kayan hay Karen
sinh sống. Từ ngoài đường chính, xe bus rẽ vào một con hẽm nhỏ. Đằng
sau khu nhà dân ở là ruộng đồng, và xa xa ở chân trời, là một dãy núi
thấp. Con đường lên núi ngoằn ngoèo một đoạn dài mấy cây số, rồi dẫn
đến trại tỵ nạn. Gọi là trại, nhưng thật ra đây chỉ là một ngôi làng
nhỏ như tất cả các ngôi làng khác ở thôn quê. Làng Nai Soi nằm dưới
chân núi. Từ chỗ xe bus đậu, du khách đi theo một con đường đất quanh
co dẫn đến một con suối có hai chiếc cầu treo, với sàn cầu làm bằng gỗ
tre, bắt ngang. Bên kia suối là làng tỵ nạn của người Karen hay Kayan.
Trong làng, đa số cư dân là người Kayan có đeo vòng cổ, người Kayaw
(một bộ tộc người Kayan) có hủ tục căng tai, và một ít người Dao
(Yao).

Một phụ nữ Kayaw (căng tai) ở làng Nai Soi
Một phụ nữ người Dao (Yao)

Ở hai bên cổng vào làng, có đặt mỗi bên hai nạng cây (hoặc cành cây)
dựng ngược xuống, trông giống như thân thể người ta từ bụng xuống đến
hai chân. Ở ngay phần chẻ của nạng cây có tạc bộ phận sinh dục nam và
nữ. Theo anh Praphan cho biết thì đây là những lễ vật để cúng Thần
Phồn Sinh. Hằng năm vào mùa Xuân, dân làng tụ tập ở đây để cúng bái
Thần và cầu nguyện, rồi sau đó họ tổ chức tiệc ăn mừng. Đường chính
trong làng là một con đường đất núi nhỏ hẹp, đi theo địa thế của núi
nên có những đoạn lên xuống. Hai bên đường là những gian hàng bán đồ
lưu niệm, nằm san sát nhau. Những người Kayan có một khu riêng của họ,
nằm cuối con đường mòn, trên một mảnh đất hình vuông khá bằng phẳng.
Chung quanh mảnh đất vuông nầy cũng có rất nhiều gian hàng nhỏ san sát
nhau, tạo nên một cái ngõ cụt. Gọi là gian hàng cho xôm tụ, chớ thật
ra đây là những lều tranh nhỏ, bốn mặt không có vách, hoặc nếu có thì
chỉ là một vách nhỏ bằng phên hay bằng tranh ở phía sau, còn mặt tiền
thì để trống. Hai bên cạnh lều thường để trống nhưng một vài gian hàng
cũng có vách để  trưng bày thêm áo quần, hay khăn choàng để bán. Ở
trong lều là một cái chõng tre lớn, chiếm hết diện tích của lều. Các
cô gái và phụ nữ ở đây rất thân thiện, sẵn sàng ngồi dệt vải, đan áo,
thêu thùa hoặc làm mẫu để du khách chụp hình. Có một bà không hiểu vì
sao rất nổi tiếng (vì sau nầy chúng tôi đi đâu cũng thấy hình của bà
trên các poster du lịch hoặc trên các bức tranh). Bà ngồi ôm một cây
đàn guitar và hát một vài bài ca trong thổ ngữ của bà để cho chúng tôi
được thưởng thức, và chụp hình.

Đằng sau các gian hàng nầy là những căn lều ở của mấy người dân trong
làng. Cũng có những đàn gà con chạy theo mấy con gà mẹ, một vài con
chó chạy rong, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một người đàn
ông nào. Có lẽ họ đang bận rộn với công việc đồng áng? Xa xa là núi
đồi trùng trùng điệp điệp. Đứng từ chỗ cao nhất ở trong khu lều của
người Kayan, khách có thể thấy được con đường mòn dẫn từ cổng làng vào
đây; và ở chân trời, khói núi đang tỏa nhẹ ra từ lưng chừng núi.

Lễ vật cúng Thần Phồn Sinh của người Kayan ở Nai Soi

Bộ tộc Kayan là một nhánh của người Karenni, một dân tộc thiểu số ở
Miến Điện. Người Kayan Lahwi là nhóm người Kayan có đeo vòng cổ. Vào
các thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, do sự xung đột với chánh
quyền quân phiệt ở Miến Điện, nhiều bộ tộc Kayan tràn xuống vùng biên
giới với Thái Lan, hoặc sang hẳn bên Thái Lan, và họ sinh sống như
những cư dân bất hợp pháp, không có giấy tờ hộ thân. Ngôn ngữ của họ
có pha lẫn tiếng Hoa và tiếng Tạng. Để phân biệt giữa các bộ tộc Kayan
với nhau, người đàn bà thuộc các bộ tộc nầy phục sức khác nhau. Người
Kayaw thích căng tai, và riêng người đàn bà Kayan Lahwi thì có sắc
thái riêng, đó là những chiếc vòng cổ. Họ thích đeo nhiều vòng trên
cổ, tạo ra ảo tưởng họ có cổ dài. Du khách ngoại quốc gọi họ là
giraffe women (đàn bà hươu cao cổ, một danh xưng mà người Kayan không
thích bị gọi), hay long neck women (đàn bà cổ dài). Hằng năm có khoảng
vài ngàn du khách đổ về ngôi làng nầy để chụp hình các phụ nữ cao cổ
nầy. Tiền vào cửa là 500 baht, khoảng 17 USD một người. Các người
Kayan có đeo vòng cổ được trả lương 1200 baht mỗi tháng để làm cảnh
cho du khách chụp hình và để đứng bán ở các gian hàng bán đồ lưu niệm
trong làng du lịch.

Các cô gái bắt đầu đeo vòng từ lúc hai tuổi cho đến năm tuổi. Mỗi năm
tăng một vòng. Do đó các cô gái trưởng thành có thể có từ 20-25 vòng
trên cổ. Kỷ lục của số vòng đếm được là 37 khoanh. Ngoài ra họ còn đeo
vòng trên tay và ở chân, với mục đích là giữ cho chân và tay thon thả
như thuở mới lên năm! Các vòng ở chân đi từ cổ chân lên đến đầu gối.
Thật ra đây không phải là những chiếc vòng riêng rẽ, mà là một ống dài
bằng đồng thau,  được quấn lại thành nhiều vòng. Mỗi lần muốn thay
vòng thì ống đồng thau cũ được lấy ra, và một ống mới dài hơn được
quấn vào. Đó là lý do tại sao các vòng cổ nầy ít được tháo ra. Những
lúc đi khám sức khỏe hoặc vào bệnh viện, một vài người đàn bà Kayan
Lahwi đã đồng ý tháo vòng ra. Không có gì nguy hiểm cả, nhưng các phụ
nữ nầy thấy thiếu thốn và khó chịu, khi không có chiếc vòng quen thuộc
ở cổ, nhất là đối với những  người đã đeo chúng ròng rã suốt mấy chục
năm trời. Phải ít nhất đến hai ba ngày sau họ mới lấy lại được quân
bình. Một số người khác  tin sai lầm rằng các bắp thịt ở cổ bị dãn ra
lâu ngày, sẽ không đủ mạnh để giữ cổ đứng vững sau khi vòng được tháo
ra. Đó là lý do tại sao một trừng phạt cho phụ nữ Kayan, khi bị kết
tội ngoại tình là phải gỡ bỏ các vòng cổ nầy, để họ suốt ngày phải nằm
dài mà không đứng dậy được vì sợ gãy cổ!! Các cô gái và phụ nữ chưa
chồng mặc áo dài màu trắng. Khi đã hứa hôn hoặc đã làm đám cưới thì họ
phục sức với các màu khác để dễ phân biệt. Người Kayan chỉ lấy vợ,
chồng trong bộ tộc của mình, và không lập gia đình với người ngoài.


Cô gái Kayan với vòng cổ ở Nai Soi            Một phụ nữ Kayan kéo võng cho con

(hình do anh DHL chụp)

Trọng lượng của các vòng nầy có thể lên đến 10kg, đè nặng lên xương
đòn gánh, xương vai và các xương sườn ở phần trên của ngực, tạo ra ảo
tưởng cổ dài. Người ta đã chụp hình quang tuyến một bệnh nhân có đeo
nhiều vòng cổ trong nhiều năm, và nhận thấy các xương sườn nằm ở phần
trên của ngực bị đè bẹp xuống như xương cá. Tối đi ngủ họ phải nằm
nghiêng mới ngủ được. Đa số các phụ nữ nầy khi được hỏi tại sao phải
đeo vòng, thì họ trả lời rằng vì muốn làm đẹp, và vì thấy ai trong
làng cũng có nên họ bắt chước làm theo. Một truyền thuyết Kayan kể
rằng ngày xưa, một ông tộc trưởng đã nằm mơ và được báo mộng là một
con hổ đã xuất hiện và tấn công các cô gái nhỏ sanh vào ngày thứ tư
trong tuần, lúc mùa trăng tròn (rằm), bằng cách cắn vào cổ họ. Sau khi
tỉnh dậy, vì con gái của ông cũng sanh vào ngày thứ tư, ông quyết định
bắt tất cả các cô gái sanh vào ngày thứ tư phải đeo vòng cổ. Đó là lý
do để giải thích sự kiện các vòng nầy lúc đầu được đeo để ngừa cọp tấn
công. Cọp thấy các vòng sáng lóng lánh thì sợ mà không dám đến gần,
hoặc có đến gần để tấn công chăng nữa thì cũng không cắn vào cổ được
vì đã có vòng kim loại che chở. Một giả thuyết khác được truyền tụng
là họ đeo vòng cổ để trông giống con rồng theo huyền thoại Kayan.
Nhưng không phải cô gái nào cũng đeo vòng, vì các vòng nầy tốn khá
nhiều tiền để đeo vào và tháo ra… Hiện nay có một số phụ nữ Kayan đã
tháo vòng cổ nầy ra để sống như bất cứ một người đàn bà bình thường
nào khác, và họ không muốn tiếp tục làm người triển lãm (human exhibit
) cho du khách chụp hình.

Hủ tục đeo vòng cổ nầy ít ra trên một phương diện hoặc một góc cạnh
nào đó, cũng còn đỡ hơn hủ tục độc ác và man rợ của người Tàu, khi bắt
buộc các bé gái từ 2-5 tuổi phải bó chân, chỉ vì đàn ông chuộng đôi
chân nhỏ bé như “gót sen” của phụ nữ và cho đó là một vẻ đẹp quý
phái!!! Có một  truyền thuyết kể rằng vào đời nhà Đường, một cung nữ
đã biểu diễn một điệu vũ với đôi bàn chân xinh xắn được quấn trong
lụa. Hoàng đế rất say mê vẻ đẹp nầy, khiến các cung phi khác bắt chước
theo. Trải qua hơn mười mấy thế kỷ, những người phụ nữ bị bó chân, đi
đứng không vững, trông giống như những cánh hoa sen lung lay trước
gió. Bàn chân của họ được ví von như “gót sen”. Trong xã hội thời đó,
những người con gái không bó chân bị khinh thường, và nếu họ là thường
dân, thì dễ bị bán làm nô lệ. Con gái trong hàng quý tộc mà không bó
chân, chỉ có thể lấy chồng ở các đẳng cấp kém hơn. Xương vòm  bàn chân
các bé gái từ 2-5 tuổi bị bẻ gãy, các ngón chân bị ép quặp vào lòng
bàn chân, rồi nguyên cả bàn chân bị bó lại thật chặt bằng vải quấn.
Trong suốt hai năm sau đó, mỗi lần thay vải quấn (hàng ngày hay hàng
tuần), chân bị đánh mạnh cho xương gãy thêm, nếu vẫn không đủ nhỏ!…
Trên phương diện y lý, thử hỏi đã có bao nhiêu đứa trẻ bị chết vì hủ
tục nầy do nhiễm trùng hay hoại thư? Với thời gian, song song với các
biện pháp kiểm soát và đàn áp nhân quyền của người phụ nữ dưới triều
đại nhà Tống (như tước bỏ quyền sở hữu tài sản, ngăn cản việc giáo dục
của họ…), hủ tục nầy được duy trì để trói buộc người phụ nữ với gia
đình bên chồng bằng cách hạn chế sự đi lại của họ. Mãi đến năm 1911,
khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, hủ tục nầy mới bị xóa bỏ. Gần đây
nhất, phim Snow Flower And The Secret Fan có nhắc đến hủ tục nầy…

Hiện nay Cao Uy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc đang khuyến khích các phụ nữ
Kayan Lahwi từ bỏ tục đeo vòng cổ, và cũng khuyến cáo các du khách
ngoại quốc không nên đến chụp hình và cho tiền, vì vô tình làm như vậy
là khuyến khích các phụ nữ Kayan tiếp tục đeo vòng để kiếm tiền. Đây
cũng là một  hình thức làm giàu cho rất nhiều người trong đó có các
tour du lịch. Một số du khách cho rằng việc trả tiền để vào coi các
người Kayan nầy cũng không khác gì việc đi sở thú xem các thú lạ, và
hành động như vậy được xem là bất nhẫn vì tước đi nhân phẩm của các
phụ nữ đáng thương nầy. Hiện nay một vài công ty du lịch ở Thái từ
chối không dẫn khách đến vùng nầy, vì họ không muốn bị coi là tiếp tay
vào việc bóc lột  các người Kayan Lahwi, và một số du khách cũng tẩy
chay các tour du lịch nào còn làm chuyện đó.

Wat Phra Kaew Chiang Rai

Ngôi chùa nầy nổi tiếng vì, sau một cơn động đất lớn vào năm 1434, bảo
tháp (chedi) của nó bị đổ vỡ để lộ ra bức tượng Phật Ngọc Bích ở bên
trong. Tượng Phật nầy hiện đang được thờ ở chùa hoàng gia Wat Phra
Kaew, thuộc cung điện vua ở Bangkok. Chùa Wat Phra Kaew được chỉ định
làm ngôi chùa hoàng gia đầu tiên ở Chiang Rai năm 1978. Đường vào chùa
có trồng rất nhiều khóm trúc vàng (nên chùa còn có tên là Chùa Trúc
Vàng), và nhiều loại cây ra hoa khác. Chùa nầy hiện nay là một trong
nhiều trung tâm đào tạo tăng lữ và giáo dục Phật giáo ở Bắc Thái. Lúc
chúng tôi đến viếng chùa thì đã xế chiều, nên không có dịp vào bên
trong xem chánh điện.[còn tiếp ]{jcomments on}

0 thoughts on “Tản mạn về một chuyến đi Đông Nam Á

  1. Quốc Tuyên

    Bài bút kí quá hay và súc tích! Cám ơn anh Đỗ Đặng Vũ nhiều và mong được đọc những bài viết hay của anh trên trang nhà.

    Reply
  2. Ngọc Vân

    Mình cũng có đi Tour Du lịch Thái nhưng đọc bài nầy vẫn thích thú và hình như có nhiều nơi Tour của mình không đến , uổng thật

    Reply
  3. Người Quen

    Cảm ơn bài viết khá chi tiết của tác giả. Mong được đọc thêm bút ký du lịch Campuchia, Laos và Việt Nam. Mong được xem thêm hình bạn bè VN.

    Reply
  4. Hương

    Chỉ một chuyến du lịch nhỏ mà tác giả nghiên cứu và trình bày thật phong phú , người đọc cảm nhận tâm huyết của khách du lịch chứ không phải đi chơi là cưỡi ngựa xem hoa.

    Reply
  5. Khachquaduong

    can doc va coi nhieu hinh anh dep vao mang doc, biet bao hinh anh dep.
    dan can phai ke o day, va du lich theo dang nay thi cung da co rat nhieu nguoi da tung di roi.
    Dang le dang bai nhu the nay Admin nen bo vao muc “GIAI TRI”
    thi thich hop hon.
    mot y kien, y co nhung o lam cung o sao.

    Reply
    1. Hương Xưa

      Khachquaduong thân mến
      Những bài bút ký luôn được đăng vào trang chủ , đó là quy định của Hương Xưa , nếu chỉ hình ảnh và chú thích đơn sơ thì sẽ đăng mục Tin Tức .Mục Giải Trí rất đa dạng : Nhạc , Chuyện vui , Châm ngôn, các Video…nhưng không đăng bút ký.HX

      Reply
  6. Dạ Lan

    Dạ Lan chưa may mắn được đi chơi ở ngoài nước , đọc thiên ký sự nầy háo hức vô cùng .Cám ơn tác giả một bài viết đầy đủ và hay .

    Reply
  7. Diệu Huyền

    Nhìn cô thiếu nữ với mấy vòng trang sức đến tận cổ thương quá , vậy mà cô vẫn cười tươi .Cám ơn anh Đỗ Đặng Võ đã cho biết nhiều
    phong tục tập quán cũng như biết những truyền thuyết lịch sử mà anh đã nghe và thấy.

    Reply
  8. Lẫn Thẫn

    Đang chờ để đọc về Miến Điện , quốc gia nầy có nhiều điều mới lạ huyền bí và hấp dẫn vô cùng.

    Reply
  9. Trần Đăng Linh

    Đi du lịch sướng gốm có ai bao tui đi các nước Đông Nam Á một chiến hông , tui sẽ cầm ví , xách va li cho khỏi lo ăn trộm.

    Reply
  10. Em Hương Xưa

    Anh Trần Đăng Linh ơi,

    Em sắp đi du lịch ĐNA và đang cần vệ sĩ. May quá, có anh đi bên mình thì em an tâm và hạnh phúc lắm. Gắng thu xếp chuyện gia đình và đi với em vài ba tuần nghe anh! Cảm ơn Trời ban cho tôi một người bạn đường lý tưởng ít nhất cũng vài ba tuần.

    Reply
  11. Đỗ Đặng Võ

    Cám ơn Hương Xưa đã cho đăng bài nầy. Cám ơn quý Anh Chị thật nhiều đã để lại nhiều ý kiến xây dựng rất hay.Để trả lời anh Quốc Tuyên, thật ra trước đây, tôi cũng đã có hân hạnh được chia sẻ cùng các Anh Chị hai bài viết “Điệu Calypso cuối cùng” và “Ái Lynh” trên diễn đàn nầy rồi, với bút danh Đỗ Võ. Bẵng đi một thời gian, tôi chuyển qua viết ký sự du lịch với mục đích viết cho chính mình, sau nầy già hơn nữa, không còn đủ sức khỏe để đi chơi xa, lấy bài cũ ra đọc lại có lẽ cũng tự mình tìm ra đôi chút thú vị. Tôi chuyển cho bạn bè đi chung tour xem, được khuyến khích viết tiếp và chia sẻ với nhiều bạn khác để đọc cho vui. Đó là lý do bài viết nầy đến tay quý vị. Bài viết còn dài, hy vọng quý Anh Chị chịu khó bỏ công đọc hết.
    Cũng nhân tiện, xin Admin nếu có thể được, sửa lại tên ĐVõ ra ĐĐVõ trên hai bài đã đăng trước đây để tránh ngộ nhận. Xin đa tạ.
    Chị Ngọc Vân ơi, mỗi tour mỗi khác, rất có thể nhiều người khác đi tour Thái Lan, nhưng không được đi xem những vùng mà chị đã được đi, chị đừng thèm tiếc làm chi!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.