Người Mỹ Dạy Truyện Cô Bé Lọ Lem Như Thế Nào?

* Thầy Lê Lâu & các CHS NTHQN trong ngày Hội Trường

* Thầy Lê Lâu chuyển tiếp

Chắc chúng ta đã từng dạy và học bài Cô Gái Lọ Lem? Hãy đối chiếu xem
cách dạy và học của mình có khác nhà trường Mỹ không?

NGƯỜI MỸ DẠY TRUYỆN CÔ BÉ LỌ LEM NHƯ THẾ NÀO

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học
sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa.
Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng
yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe
quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban
đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu
không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại
mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ
ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe
đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên,
mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể
ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi
một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản
Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời
hoàn toàn thật lòng đấy !

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em
cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều
chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi,
chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người
xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà
thôi. Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi
dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế
tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp
nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn
biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của
Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô
tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về
nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý:
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè.
Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ.
Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em
thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà
Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử
được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng
tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù
bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella
đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định
Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu
thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm
cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy
mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử
có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ
kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ
làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân
mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu
mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo
ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự
tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có
thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản
cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp
lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng
như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về
chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà
văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem
– chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên
sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai
trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác
phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như
thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.{jcomments on}

0 thoughts on “Người Mỹ Dạy Truyện Cô Bé Lọ Lem Như Thế Nào?

  1. nguyentiet

    Một lối dẫn dắt khéo léo của thầy giáo đã tạo tình huống cho học sinh tư duy nên từ đó nội dung, tư tưởng của bài học đã được truyền thẳng đến học sinh một cách trọn và hiệu quả.
    “Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được.”
    “HS: Phải biết yêu chính mình ạ !
    Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có.”
    Hay quá! Cám ơn thầy Lê Lâu. Em chúc thầy luôn khỏe mạnh và an vui.

    Reply
  2. Kiều Thanh

    Thầy giáo sưu tầm bài rất hay, rất thuyết phục khác hẳn với lối dạy từ chương kinh điển .Cám ơn thầy .

    Reply
  3. Quốc Tuyên

    Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
    Vâng lời thầy dạy rất chí lí, có bạn bè chia sẻ buồn vui đáng quý biết bao!

    Reply
  4. Nguyên Lương

    Cách dạy của người Tây Phương (nhất là ở Mỹ) chuộng thực tế, sống động, và gần gũi đời thường. Họ làm nhẹ đi cái tính mơ hồ, xa cách và huyền thoại của câu chuyện để đưa nó đến gần với suy diễn của tuổi học trò. Họ dạy cho con nít “biết lập luận” ngay từ khi còn bé, bằng những câu chuyện thần tiên, nhưng đem câu chuyện đó đưa vào đời sống có thể áp dụng được, và bắt bọn nhỏ suy tư, tìm hiểu cái hay và mục đích của câu chuyện. Khi xưa ta học ở nhà trường, bài học này cho ta thấy 3 hình ảnh: độc ác của bà mẹ kế, đáng thương của cô lọ lem và bà Tiên là người ban phước cho kẻ yếu. Trong cách dạy của Mỹ cũng loáng thoáng thấy 3 hình ảnh này nhưng rõ nét nhất vẫn là: Lọ lem có đáng thương thật nhưng nếu không biết lợi dụng cơ hội thì cũng chẳng được giúp đỡ. Bà mẹ ghẻ có độc ác đấy nhưng chỉ độc ác với kẻ thù (người tranh chấp với con gái bà). Bà Tiên có giúp đấy nhưng chỉ giúp được người biết tự giúp mình. Đó là lối dạy rất dễ gần với tuổi trẻ (practical), cái gì được việc thì đem áp dụng. Vì gần với thực tế qúa nên con nít không mơ mộng nhiều. Bọn trẻ ở Mỹ bây giờ không thích thi ca. Lời bài hát thì trống không, rỗng tuếch, chẳng chút mơ mộng lãng mạng, và lớn lên thì sống như cái máy. Khi đau khổ thì chỉ biết đổ lỗi cho thời cuộc , người khác, chứ không phải tại mình. Họ dạy con nít “ta là nhất” nên cái cũng cũng “có thể”, không chấp nhận cái “không thể”. Con nít đi đâu, làm gì, phát biểu bất cứ lúc nào vẫn là: I am the best (tôi là nhất) nên có tính ngạo mạn, sỗ sàng, đôi khi thô lỗ với người lớn… tất cả cũng đến từ cái lối dạy “coi trời bằng vung này”. Con nít VN ở Mỹ cũng bị “thuần hóa” như thế nên cha mẹ người Việt rất đau đầu.
    Hy vọng các bạn hiểu thêm một ít về suy nghĩ của mình với bài viết này.
    NL

    Reply
      1. Nguyên Lương

        Thỏ con ở “ngoài” hay ở “trong”. Nếu mà ở trong nước mà đồng ý với suy nghĩ của Anh thì cô cũng có đầu óc cách mạng đấy. Nhớ ngày xưa học ở Dalat anh cũng theo ngành sư phạm. Năm thứ 3, suýt bị đuổi khỏi trường vì bài tiểu luận mạnh mẽ đả phá cái lối học-dạy từ chương của nền GD Viêt Nam thời đấy. Anh mơ lắm đến cái lối dạy học thực dụng (learning by doing) của Tây Phương. Bây giờ ở đây rồi, thấy hết, biết nhiều về nền giáo dục của họ mới tìm ra có qúa nhiều khiếm khuyết (theo cách nhìn của người Á Đông). Bây giờ, nếu ta được làm cách mạng giáo duc lại cho VN thì anh chọn mỗi bên một ít cái hay rồi đem áp dụng, như lối giáo dục của Singpore chẳng hạn. Ở Singapore 4 năm anh thấy cái kiểu giáo dục “xào nấu, trộn gỏi” này nó có cái hay riêng. Và có thể nếu áp dụng được, VN ta sẽ tiến nhanh đấy.
        NL

        Reply
        1. Gió

          “Bây giờ, nếu ta được làm cách mạng giáo duc lại cho VN thì anh chọn mỗi bên một ít cái hay rồi đem áp dụng, như lối giáo dục của Singpore chẳng hạn”
          Hay quá!

          Reply
          1. Nguyên Lương

            Vui là Gió cũng đồng ý với mình. Góp GÍO thành bão đi. Bây giờ mình kêu gọi thêm mấy cô giáo: Minh Kiên, Quốc Tuyên. Nguyễn Tiết… và ai, ai nữa vào bắt tay nhau “tuyên truyền” cái lối dạy này. Ngay trên HX này, chắc là vui lắm đây.
            NL

          2. nguyentiet

            Nguyễn Tiết cũng đồng ý với anh Nguyên Lương . Nhưng lực bất tòng tâm anh NL ơi!

    1. HN Tín

      Phân tích hay lắm anh Nguyên Lương!Đúng y chang vậy!Và nền Giáo dục ở VN mình bây giờ cũng na ná vậy đó!

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Hay là Chú Tín cùng với Anh về nước mình giúp làm lại từ đầu được không? Nói đùa thôi chứ “con én nhỏ không làm nổi mùa Xuân” đâu. Anh đã có về, có cố gắng, nhưng chào thua vì trách nhiệm nặng nề qúa. Mai kia khi nghỉ hưu, thử lại lần nữa, xem sao. Chú nhớ lúc đó bắt tay với Anh nhé.

        Reply
        1. minhkien

          Em chào anh Nguyên Lương!”Người Mỹ dạy văn cho trẻ em như thế nào” là một bài viết em đã đọc từ lâu và hôm nay lại được đọc lại khi thầy Lê Lâu đưa vào HX. Nhưng em thấy những ý kiến của anh thật sâu sắc. Chứng tỏ dù ở xa nhưng anh luôn trăn trở cho đất nước mình rất nhiều. Hiện nay ngành Giáo dục của chúng ta đang thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện” đó anh. Tuy vẫn còn có nhiều vấn đề cần bất cập nhưng ta không bàn ở đây mà vấn đề đặt ra là: Phương pháp dạy- cụ thể là một tác phẩm văn chương phải không ạ? Em đồng ý với suy nghĩ của anh. Nếu hoàn toàn dạy theo cách dạy của nước MỸ thì “sản phẩm” là những con người vô cảm về lối sống, trơ lì về cảm xúc…Nhưng nếu dạy theo lối dạy ngày xưa của chúng ta thì con người ta sẽ thiếu đi kĩ năng sống cơ bản. Vì thế bây giờ rất cố gắng là kết hợp cả hai đó anh! Nghĩa là vẫn giáo dục cả tâm hồn, tình cảm thông qua sự rung động của cảm xúc về giá trị nội dung, nghệ thuật trong tác phẩm văn học và tích hợp giáo dục kĩ năng sống nữa. Đó chính sự đổi mới căn bản và toàn diện. Và nữa: “một con én nhỏ không làm nên mùa xuân” nhưng nhiều cánh én nhỏ sẽ làm nên mùa xuân lớn cho đất nước đó anh. Em tin rằng: với tấm lòng của mình ngày mai anh sẽ là “một cánh én” trên bầu trời xuân của đất nước. Cảm ơn anh!

          Reply
          1. RB

            Ai nói người Mỹ không có mộng mơ, tưởng tưởng.. ngoài thưc tế và khoa học… MK nên nhớ những nước có những nhà văn thơ lớn, có những bộ phim nổi tiếng lớn.. có những phát minh lớn, v.v… đều có một bộ óc thực tế và tưởng tưởng “siêu đẳng”. Mà có tưởng tượng thì ít nhiều phải có “mộng mơ”. RB nghĩ rồi đây như MK nói {Hiện nay ngành Giáo dục của chúng ta đang thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện”}. Không những thế mà họ còn sẽ thay đổi “toàn diện sách giáo khoa”. Thật đáng mừng! Nhưng phải chờ…

            Muốn bàn “bình loạn” với MK một chút cho vui thôi, đừng để ý tới nhé vì MK là một cô giáo dạy văn hiện tại; RB chỉ muốn cô là một cô giáo tốt và “dạy giỏi..” với óc sáng tạo có mới mẻ của riêng minh… Chúc MK khỏe vui dạy văn và làm thơ hay! Chào MK.

          2. Nguyên Lương

            Có lẽ Minh Kiên và anh cùng tư tưởng. Mình nói đến lối dạy học ở Mỹ chừng 3 thập niên trở lại đây, tức là ngày họ đem toàn bộ lý thuyết thực dụng của John Dewey : learning by doing, và 30 năm sau ta đã thấy cái kết qủa. Đa số sinh viên ra trường không viết nổi một resume xin việc mà không có lỗi. Có việc rồi, một bản báo cáo viết không thông, trình bày kết qủa làm việc trước đám đông không mạch lạc… tất cả là vì họ coi nhẹ phần giáo dục nhân văn, văn hóa mà đặt nặng phần kỹ thuật. Bây giờ họ đang tìm cách sửa sai, phải mất thời gian nữa mới có kết qủa.
            Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ đa số sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Họ là dân nhập cư, mang theo cái văn hóa từ nguồn gốc đến đây, và toả sáng.
            Cái nhìn của mình có tính phiến diện, nhưng đó là cái nhìn từ đất nước này 38 năm qua. Không có ý chê bai ai hết, chỉ dùng để giải thích vài thắc mắc của người ở xa.
            Năm 93, tại ĐH cải tổ GD Việt Nam do GS Bộ Trưởng Trần Hồng Quân chủ tọa. Mình có phát biểu: Người thanh niên thời nay cần 3 cái thực để lên đường:
            Thực Tâm (biết mình muốn gì),
            Thực Tế (biết đất nước đang ở đâu)
            và Thực Tài (biết mình biết gì). Như thế mơí mong đóng góp cho đất nước trọn vẹn.
            NL

  5. HN Tín

    Phương pháp giảng này ở VN có từ lâu rồi anh ạ.Người ta gọi là “Phương pháp tình huống” , nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.

    Reply
    1. Nguyên Lương

      Nghe nói T V Ga là dân nẫu, nhà ở đâu gần Phú Tài thì phải. Anh thấy hắn nói và làm được một số việc rất tốt. Hy vọng nhiều cho tương lai của Ga và của GDVN. Một người khác nữa: Bùi Bá Bỗng, là Thứ Trưởng Nông nghiệp (nghe nói đã nghĩ hưu), bạn của anh, học cùng lớp ở CĐ. BBB làm thơ tình hay lắm. Những năm ở CĐ (68-72) thơ hắn nổi như cồn, anh rất mê. Không ngờ trên HX nhiều vợ chnồg thi gia qúa xá. Họ giống nhau, thích nhau ở cái điểm thơ thẩn này chăng?
      NL

      Reply
      1. HN Tín

        Đúng rồi, Bùi văn Gà ở xóm Bầu lát Long vân, học Cường Đễ 68-75.Anh Bùi bá Bỗng chắc mới về hưu, cách đây 2 năm anh còn làm việc.
        Trong Hương Xưa chỉ có 1 cặp là Trần Viết Dũng và Diệp thị Kim Chi(Thỏ con) là Nhà thơ thôi.Còn lại hầu hết là ở một mình đó!

        Reply
  6. Đông Oanh

    ” Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè.”
    ” Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân
    mình “,
    “…ngay cả nhà văn vĩ đại mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên
    sai chẳng có gì đáng sợ cả…”
    Cám ơn Thầy Lê Lâu đã cho đọc một bài về giáo dục rất hay!!!
    Kính Chúc Thầy Cô mạnh khoẻ và hạnh phúc!

    Reply
  7. RB

    Những đặc tính, bản chất, nhân văn nhân bản nhân đạo… của người Mỹ. Đây như là một đặc thù rất ư là đặc biệt tốt đẹp… của họ:

    Người Mỹ tình nhưng không chìu; chìu nhưng không thương; thương nhưng không yêu; yêu nhưng không lụy; lụy nhưng không ngã; ngã nhưng không đau; đau nhưng không hờn; hờn nhưng không ghét; ghét nhưng không giận; giận nhưng không hận; hận nhưng không thù; thù nhưng không oán; oán nhưng không trả; trả nhưng không nhận; nhận nhưng không quên; NHỚ chỉ có CHO…

    Để RB xếp lại những câu trên cho dễ đọc.

    Người Mỹ
    TÌNH nhưng không chìu
    chìu nhưng không thương
    thương nhưng không yêu
    yêu nhưng không lụy
    lụy nhưng không ngã
    ngã nhưng không đau
    đau nhưng không hờn
    hờn nhưng không ghét
    ghét nhưng không giận
    giận nhưng không hận
    hận nhưng không thù
    thù nhưng không oán
    oán nhưng không trả
    trả nhưng không nhận
    nhận nhưng không quên
    NHỚ chỉ có CHO…

    by RB nhân mùa TẠ ƠN Lễ Thanksgiving 2012

    Nói tóm lại (chỉ bao nhiêu đó thôi như bài thơ): Về NHÂN ĐẠO họ là Number 1 trên quả địa cầu nầy! Theo RB nghĩ là vậy; còn ai nghĩ người Mỹ ra sao, thế nào RB không có ý kiến, không muốn bàn luận; chỉ muốn lắng nghe và tôn trọng tất cả. Mong thay!

    Reply
    1. Nguyên Lương

      RB nói chính xác. Về lòng nhân đạo thì người dân Mỹ là tuyệt vời nhất thế gian. Họ cho nhiều và cao cả, bao dung, một cách hiếm có. Nhưng đó là với người dân thường, còn với bọn tài phiệt, quyền lợi của họ là trên hết, sau đó mới nói tới lòng nhân.
      NL

      Reply
  8. Thu Thủy

    Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu
    không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy

    Thầy lồng ghép các lời dạy của mình vào câu chuyện rất hay và tự nhiên.
    “Anh mơ lắm đến cái lối dạy học thực dụng (learning by doing) của Tây Phương. “

    Thủy cũng như vậy đấy anh ạ nhưng TT chưa thấy khiếm khuyết của nó , vẫn còn thích cách dạy đó lắm, để hs có bản lĩnh, mạnh mẻ, quyết đoán, mà ở đây thì thường hs không có tính này.

    Reply
  9. Kiều Thanh

    Cách dạy vui và cũng lạ thay vì tìm quy luật nhân quả và tính nhân bản của câu chuyện, ông thầy nầy đưa học sinh vào những khám phá mới mẻ hơn .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.