Hội Chợ

Cha mẹ Huấn có 3 người con, hai trai một gái.  Người con trai
đầu đi làm ăn xa, người con gái giữa có chồng đã ra riêng;
chỉ còn Huấn là con út, ở với cha mẹ. Năm đó Huấn thi đậu
kỳ thi Trung Học Đệ-Nhất-Cấp, gia đình làm một mâm thịnh
soạn trước cúng ông bà sau coi như ăn mừng. Bác Hai Kiềm trong
lúc chén thù chén tạc với anh em, đưa ly rượu lên cao hướng
về phía Huấn:
-Nè con, mày thi đậu bằng cấp này là bằng Thành Chung ngày
xưa đó, oai lắm nghen con. Bác khen mày giỏi, thi một lần là
đậu liền.

Huấn chưa kịp nói gì thì bác đã quay qua cha Huấn:
-Chú Năm, tui nói chú nghe, thằng cu Ớt thông minh lắm, tui đề
nghị chú gởi nó xuống thị xã học tiếp cho có tương lai. Chú
nghĩ sao?
Bác Hai Kiềm gái liếc chồng:
-Cái ông này kỳ quá, cháu nó đã lớn mà cứ hở ra là cu Ớt,
hở ra là…
-Ủa, trong nhà tui kêu tên đó cho thân mật, chừng nào tui kêu ở
chỗ người lạ bà mới nói chớ. Sao mấy mụ đàn bà hay có ý
kiến quá. Bực mình!
Bác gái im. Mẹ Huấn vội gắp một miếng chả lụa bỏ vô chén
bác gái: mời chị…mời chị.
Mợ Chín ngồi bên cạnh chị Lành, chồm người ra phía trước nói nhỏ:
-Hai chị không biết chớ mấy ổng ở nhà chỉ giỏi tài ăn hiếp
vợ còn ra ngoài thì…..em lấy tỉ dụ như bữa qua thôn Hạ ăn
thôi nôi thằng cháu đích tôn của….
Đang nói tự nhiên mợ Chín nín khe. Mẹ Huấn thì đằng hắng
rồi ho mấy tiếng. Thì ra Bác Hai Kiềm trai đang nhìn chằm
chằm đám đàn bà con gái ngồi ở mâm dưới. Với vai vế anh cả,
với dáng dấp to bè, với ánh mắt đầy uy lực của bác thì ai
mà dám hó hé. Mợ Chín sợ quá bèn giả lả:
-Chu cha, nay mai thằng cu Ớt đi học ở thị xã chắc anh chị
thấy nhà trống vắng lắm, vậy con Lành mày nhớ thường xuyên
qua lại cho cha mẹ đỡ buồn nghen con.
“Mâm dưới” ngầm hiểu là mợ Chín muốn cho bác Hai Kiềm trai
thấy là mợ công nhận bác ấy đúng. Ý nói ở nhà chớ ở đâu
mà kỳ với dị, thì chính mợ cũng đang kêu nó là cu Ớt nè.
Mẹ Huấn cười, mắt nháy nháy….Ai mà không biết mợ Chín có
tài nịnh cho người ta vui, có tài hóa giải mọi căng thẳng mà
nhất là cần phải khỏa lấp khi chính mình đã dám cả gan kể
xấu mấy ông chồng chỉ giỏi có tài ăn hiếp vợ.

Cậu Chín là em họ của mẹ Huấn. Cậu mợ sinh sống ở huyện
khác nhưng có dịp là “chạy qua chạy lại” nên hai nhà khá thân
nhau. Cậu mợ có đứa con trai tên Tri, trạc tuổi Huấn. Tri được
cha mẹ cho theo chú Biền xuống thị xã từ năm học Đệ Thất.
Nói là chú cháu nhưng chú Biền chỉ lớn hơn Tri vài tuổi vì
chú là con bà vợ thứ ba của ông nội Tri. Bà nội Nhỏ của Tri
(tức mẹ chú Biền) thuê căn nhà của một người quen cho hai chú
cháu trọ từ mấy năm nay. Niên khóa này thì có thêm Huấn. Chú
Biền học Đệ Nhất, Tri và Huấn học Đệ Tam. Ba chàng trai sống
chung với nhau rất hòa thuận có lẽ vì ngoài việc có dây mơ
rễ má họ lại không mấy cách biệt về tuổi tác mặc dầu có
đôi lúc lớp Đệ Nhất phải tỏ ra nghiêm một chút để lấy uy cho
lớp Đệ Tam không có cơ qua mặt.
Bổn phận của cả ba là chỉ lo  học hành, việc ăn uống gia
đình đã thu xếp nhờ dì Sên kế bên. Một ngày hai bận, 12 giờ
trưa và 6 giờ chiều con gái lớn dì Sên bưng qua một mâm thức
ăn gồm ba món canh, xào và mặn.  Đồ mặn thường là cá kho hay
thịt kho, lâu lâu dì Sên đổi món cho ăn mắm chưng hoặc thịt
luộc. Đứa con gái nhỏ theo sau bưng một cái mâm nhỏ hơn trên
đó có chén đũa, một chén nước mắm ớt và một thau cơm nóng
lúc nào cũng đầy vun, ăn không hết. Khi xong bữa họ chỉ cần
ra đứng trước nhà dì Sên kêu “em ơi!” là hai chị em qua thu hồi
mâm bát về.
Đời học sinh vô lo, thật sung sướng!

xxxxx

Khi chú Biền đang ngồi ở bàn học, Tri hỏi:
-Chú có định đi hội chợ không?
-Hội chợ nào?
-Hội chợ nhân dịp nô-en đó.
-Ai tổ chức?
Tri ngập ngừng:
-Trường…..
-Trường nào?
Tri cười cười:
– Cái trường con gái gần nhà thờ nhọn đó. Chú đừng có nói
là không biết trường đó nghen.
Chú Biền mắt vẫn không rời cuốn sách:
-Tao biết trường đó nhưng không biết chuyện sẽ có hội chợ.
Tri biết năm nay là năm rất quan trọng đối với chú Biền. Chú
sẽ thi Tú Tài 2, sau đó sẽ thi vô đại học. Tương lai đang chờ
ở phía trước, nếu chểnh mảng là chết một cửa tứ. Tri nghe
người ta nói thì nghĩ vậy chứ không hiểu “chết một cửa tứ”
là chết ra làm sao. Mà thôi, một khi tay chú Biền còn cầm
quyển sách thì tốt hơn hết là không nên nói những chuyện
“trên trời dưới đất, tào lao thiên địa” với chú. Biết vậy nên
Tri chuồn lẹ.
Buổi tối khi Tri đang giăng mùng Huấn kêu:
-Ê…
-Gì?
-Có tin sốt dẻo, muốn nghe không?
-Biết rồi.
-Biết gì?
-Sắp có hội chợ chớ gì!
Huấn chợt nhớ Tri có bạn là một nữ sinh lớp Đệ Tứ của
trường “Bà Xơ”. Hai người quen nhau trong dịp học hè, cô  này
Huấn có gặp vài lần ở hiệu sách. Cô dịu dàng và xinh xắn
nên chú Biền  không thể lấy cớ gì để ngăn cản chuyện kết
bạn của Tri. Huấn nhớ có lần Tri rủ Huấn đi chơi, khi chú
Biền tỏ ý không muốn hai đứa đi nhiều thì Tri nói: Năm kia
chú đờn ca nhiều hơn học bị bà nội Nhỏ rầy chú nói năm Đệ
Tam là năm “dưỡng hơi” để lấy sức cho hai năm tiếp theo  thi Tú
Tài 1 và Tú Tài 2. Vậy năm nay là năm “xả hơi” của Cún với
Ớt, chú phải “nới tay” chớ. Từ đó chú Biền có vẻ dễ dãi
hơn với hai đứa. Phải rồi, năm Đệ Tam chú cũng đi chơi, cũng
đờn ca hát xướng văn nghệ văn gừng  tưng bừng , tới kỳ lãnh
tiền “tiếp tế” còn chiêu đãi bạn bè cà phê cà pháo thì giờ
đây cấm đoán hai “thằng cháu” sao được.
Huấn vỗ nhẹ vai Tri:
-Nè, hai đứa mình làm sao để có tiền đi hội chợ? Đi chơi thì
phải tốn kém. Chỉ hai đứa mình thì không vui, đi với mấy
thằng bạn trai thì vô duyên, đúng không?
Tri gật gù:
-Ừ, vô duyên. Lớp của cô bạn Tri có tham gia một gian hàng nên
ngày đó chỉ cần có mặt ở hội chợ là gặp ngay thôi. Mà
Huấn đã định rủ ai chưa?
-Tri nhớ em gái của anh Kiên bạn chú Biền không?
-Cô nào? Tóc dài hay tóc ngắn?
-Dài.
Huấn búng tay:
-Con Suối.
-Con Suối?
-Ừ, nó tên Suối, con tóc ngắn là con Sông, chị nó. Hai chị em
nhưng sinh cùng năm, học cùng lớp.
Rồi như để chứng tỏ mình rất rành về hai chị em này, Tri nói:
-Nhà đó có anh Kiên, con Thuyền, con Sông, con Suối. Nghe nói
con Thuyền theo cha mẹ đỡ đầu đi học tận bên Pháp. Nghe nói
má anh Kiên đầu năm sinh con Sông cuối năm sinh con Suối nên hai
chị em nhìn trạc trạc bằng nhau. Nghe nói anh Kiên hồi nhỏ ốm
yếu khó nuôi nên bà nội ảnh đặt tên Kiêng, tức là kiêng cử
đến lúc đi học ba ảnh mới làm khai sinh là Kiên, tức kiên
cường.
Huấn sốt ruột:
-Vậy có “ nghe nói” tại sao ba cô con gái lại có tên….
-Cái đó thì Tri chịu thua. Muốn biết thì hỏi chú Biền, chú
chơi thân với nhà đó chắc phải rành về họ. Nè, muốn rủ con
Suối đi hội chợ cũng phải nhờ chú Biền đó, không có chú là
không xong đâu.
Huấn trầm ngâm:
-Có lẽ vậy. Hôm trước theo chú Biền tới nhà anh Kiên, Huấn
thấy hai cô gái cư xử thân tình như anh em với chú ấy. Lúc ra
về Huấn có khen cô tóc dài xinh thì chú Biền cười bảo:
thích người ta thì phải lo học cho thiệt giỏi, nhà đó gia
phong lễ giáo nên không có cửa cho mấy thằng “ma cà bông” đâu.
-Vậy là được rồi, vấn đề còn lại là hai đứa mình phải lo
kiếm tiền. Đi chơi với con gái thì con trai phải dành phần
trả tiền….Nên nhớ ở đây là thành phố, mình xử sự không ra
sao họ nói mình là dân “ruộng” thì có nước độn thổ.

Những ngày tiếp theo hai chàng trai bàn tới bàn lui về kế
hoạch kiếm tiền. Huấn lẩm nhẩm:
-Từ đây đến ngày đó nếu mình không ăn sáng thì cũng để dành
được một ít.
Tri gật gù:
-Đúng, nhưng sắp tới hội chợ rồi, nhịn ăn sáng có mấy ngày
thì số tiền để dành đó cũng chẳng thấm béo vào đâu.  Nghe
nói hội chợ có nhiều trò chơi chả lẽ mình không chơi vài
trò. Có nhiều quầy bán đồ lưu niệm nếu họ ghé vô thì …..đó
là chưa tính tới chuyện phải mời họ uống nước.…Mình mời họ
từ chối thì mình buồn mà họ nhận lời thì mình…chết.
Huấn thấy hai tai lùng bùng:
-Nghe Tri nói mà nổi cả gai ốc. Trời ơi, sao nhiều thứ vậy?
-Huấn ở quê mới xuống nên không biết chớ Tri học ở đây đã 4
năm nên Tri rành lắm. Con gái thành phố mà! Hơn nữa mình phải
chứng tỏ .…. mình chớ.
Huấn đề nghị:
-Hay là tiền ăn sáng thì mình nói chú Biền cho mình lãnh
luôn một tháng đi. Coi như đi hội chợ thì khỏi ăn sáng.  Tri
đồng ý không?  Tri liệu lời nói với chú Biền, nói sao nghe
cho bùi tai…
Chi phí ăn ở sinh hoạt của Huấn và Tri được giao cho chú Biền
quản lý. Tiền cơm tháng thì tới ngày chú qua đóng cho dì
Sên, tiền ăn sáng thì một tuần chú phát một lần. Mua sách
vở bút mực thì tên ai, mua gì, giá bao nhiêu, ngày tháng nào
chú đều ghi rõ ràng trong một cuốn sổ nên hai thằng cháu có
muốn “ăn gian” cũng không được.
Buổi tối học bài xong Tri rà rà tới, thủ thỉ:
-Chú Biền ơi, Cún nói chú nghe…
Mỗi lần nghe Tri và Huấn xưng tên Cún tên Ớt là chú Biền
biết ngay tụi nó sắp có việc nhờ cậy. Chú nói mà không
thèm nhìn nó:
-Nói đi.
-Chú…chú…
-Mày nói nhanh lên cho tao đi ngủ để sáng mai dậy sớm ôn bài.
Chú…chú cái gì?
-Chú cho Cún với Ớt lãnh tiền ăn sáng trước được không?
-Có chuyện gì mà xin ứng trước?
Tri bẻ ngón tay nghe rốp rốp:
-Hai đứa định đi hội chợ.
Chú Biền tỏ vẻ thông cảm:
-Ừ, ứng trước hai tuần.
-Không được, không được. Chú làm ơn ứng trước một tháng đi.
Chú Biền chỉ lên cuốn lịch:
-Mày coi bữa nay là ngày nào mà xin ứng nguyên tháng. Không
phải tao làm khó nhưng tiền đâu tao đưa. Hai đứa mày muốn lãnh
nguyên tháng thì đợi người lớn gởi tiền sinh hoạt xuống
rồi….
-Trời, sao được hả chú? Đợi tới ngày đó thì còn hội chợ đâu mà đi.
-Vậy thì tao chịu thua. Chỉ còn đủ tiền để ứng trước hai
tuần thôi. Lấy thì tao đưa, chê ít thì…
Huấn tiu nghỉu:
-Thôi kệ, có còn hơn không.

Chủ nhựt khi đang ôm đàn gảy từng tưng thì có bóng người
thấp thoáng ngoài hiên, Tri reo lên:
-Chị Lành, chị Lành….Huấn ơi! Chị Lành …
Huấn chạy ra cười toe toét:
-Chị, chị mới xuống hả? Cha mẹ khỏe không hả chị?
Chị Lành thấy hai em vui mừng khi gặp mình thì cảm động lắm.
Chắc là tụi nhỏ nhớ nhà lắm đây. Chị Lành chỉ đoán trúng
phần nào thôi vì nhớ nhà thì cũng có nhớ nhưng sự xuất
hiện đúng lúc của chị sẽ giúp cho cái túi rỗng của hai
chàng trai ấm lên mới là nguyên nhân chính của sự vui
mừng.Chị cầm nón lá phe phẩy:
-Chị đi mua phân bón cho vụ mùa tới. Họ đang chất hàng lên xe
nên chị ghé qua thăm mấy đứa  một chút sẵn đem con gà mái tơ
để nhờ dì Sên nấu cháo cho mấy đứa bồi bổ thêm. Ủa, Biền
đâu?
-Dạ chú Biền đi ra nhà sách. Chừng nào cha xuống thị xã hả chị?
-Cha phải qua rằm mới đi được. Thôi chị đi kẻo nhà xe họ đợi.
Hai đứa ráng học, đừng đi chơi nhiều nghe. Nè, chị cho hai đứa
chút tiền để dành tiêu vặt. Bữa nào nghỉ hè về nhà chị
tiềm vịt cho ăn. Năm nay anh chị mới nuôi vịt thả đồng, ngon
lắm. Thôi, chị đi nghen. À, Tri ơi, nghe nói chị Tư em sắp có
người tới coi mắt đó.
Huấn níu áo chị Lành:
-Chị ơi, chị cứ coi như hai đứa em đã ăn vịt tiềm của chị rồi…
Chị Lành rờ trán em trai, giọng hơi hoảng:
-Em bị gì vậy? Có đau ốm gì không? Vịt đang còn nuôi ở trên
quê…Vịt ở đâu mà ăn?
Tri ngập ngừng:
-Chị ơi…chị…ơi…ý thằng Cu Ớt là… con vịt đó tới ngày chị
cứ bán chớ không cần phải tiềm cho tụi em.
Chị Lành mở to hai mắt:
-Hai đứa bay nói gì chị không hiểu. Hay là trời nắng mà bay
học nhiều quá nên sinh loạn thần?
Tri khụt khịt mũi, giọng đứt quảng:
-Chị ơi… chị cho hai đứa em… thêm chút tiền….bù lại…bù
lại…khỏi ăn thịt vịt. Tụi em cần tiền….
-Muốn mua thứ gì phải không? Làm hết hồn hết vía. Nhiêu?
Huấn cười thật tươi, hai tay cầm cái nón lá quạt lia quạt
lịa vào bà chị:
-Tùy lòng hảo tâm…hì..hì…
Chị Lành mở túi xách. Hai thằng em đứng trước mặt chị có
bốn con mắt sáng ngời còn hai cái miệng thì rộng gần tới
mang tai.
Chị Lành đi rồi Huấn lấy tiền ra đếm, Tri nói:
-Huấn giữ hết đi. Tới ngày đi hội chợ mình gom lại, coi được
bao nhiêu  hẵn hay.
-Ừ, Huấn cất trong chiếc hộp gỗ đựng giấy tờ, kiếm thêm
được cứ bỏ vô đây. Tới ngày đi mình chia đôi, mỗi đứa giữ
một nửa.
Tiếng tục…tục…phát ra từ cái giỏ lát dưới gầm bàn, Tri reo:
-Con gà, con gà…
-Nè, đừng có nói là không nấu cháo gà đó nghen. Huân kêu lên.
Tri gõ gõ tay lên trán ra chiều suy tư như những lúc giải
phương trình toán học:
-Nhưng ai đi bán và bán cho ai? Xách ra chợ thì ngượng, không
khéo họ nghi mình ăn trộm gà thì….nhục chết.
Đoán được ý định của Tri, Huấn áy náy:
-Chị Lành cho để mình bồi bổ mà đem đi bán thì sao sao ấy.
Hơn nữa còn chú Biền, sợ chú Biền không cho bán.
Tri lý sự:
-Chị Lành là chị của Huấn chớ có phải chị của chú Biền
đâu. Nếu nói phải hưởng “chung” thì sao tháng trước bà nội
Nhỏ xuống ở lại một đêm để coi cải lương có cho chú Biền
tiền, chú cám ơn mẹ, cám ơn mẹ rối rít…thế là xong, có cho
mình “chung” đâu.
Sực nhớ lại hôm kia thằng bạn “chí cốt” có rủ mười hai âm
tới nhà nó ăn giỗ, Tri chạy lại lật tờ lịch Tam -Tông -Miếu.
Huấn ngạc nhiên:
-Tìm gì vậy?
-Để coi thử tháng này mười hai âm nhằm thứ mấy.
-Chi vậy?
Tri không trả lời, ngón tay trỏ rà rà theo những con số:
-Đây rồi, trên dương dưới âm, mười hai…mười hai….là thứ ba.
Huấn lấy xe đạp ra rồi mình đi.
-Đi đâu?
-Thằng Cảnh nói thứ ba này nhà nó có đám giỗ….
-Nhà nó có đám giỗ mình tới làm gì? Hơn nữa thứ ba…
-Mệt quá, thứ ba giỗ mà thứ ba tới thì nói làm chi. Lấy xe
…nhanh lên.
Dắt xe ra Huấn thấy Tri xách cái giỏ lát theo thì chợt hiểu.
Trời ơi, hai đứa đang đi bán gà. Tri đập mạnh vô lưng Huấn “lên
đường!” rồi đẩy xe lấy đà.Thường ngày hai đứa vẫn thay phiên
chở nhau đi học, vòng quay  nhẹ nhàng đối với sức trai trẻ
nhưng sao hôm nay chỉ “đèo” thêm có mỗi con gà mà Huấn có cảm
giác như mình không đạp nỗi, xe lăn bánh nặng nề như có cái
gì đó đang trì kéo lại và con đường Phan Bội Châu như dài hun
hút, như xa lắc xa lơ..
Tri đập đập vô lưng Huấn:
-Dừng lại, dừng lại. Tới rồi. Cảnh ơi Cảnh. Cảnh ơi!
Một con chó cao to chạy ra sủa inh ỏi, nó chồm lên rào như
muốn chụp cả hai đứa. Đã vậy tiếng tục..tục.
quác.quác..của con gà khiến con chó trở nên hăng máu hơn.
Huấn kéo tay Tri:
-Thôi, thôi… đi về Tri ơi, ghê quá. Thoát ra được nó cắn cho
thành ….chó dại thì tiêu đời.
Tri cáu:
-Mệt quá, con trai mà sợ chó. Ở quê mình thiếu cha gì chó
mà làm như hồi giờ chưa thấy.
-Nhưng chó ở quê mình nhỏ, còn con này to quá, to gần bằng
con nghé bên nhà bà nội Lớn của Tri …
Huấn chưa nói hết câu thì Cảnh xuất hiện, tay mở cổng miệng
oang oang:
-Kiki , đi vô nhà, đi mau. Tới chơi hả? Vô đây… vô đây.
Huấn định dắt xe vô nhưng Tri ngăn lại:
-Thôi Huấn cứ đứng ngoài này chờ, Tri nói chuyện với Cảnh
rồi ra liền.
Tri kéo Cảnh vô giữa sân. Hai người nói với nhau một lúc thì
thấy Tri đưa cái giỏ lát cho Cảnh rồi chạy ra tươi cười:
-Xong ngay, xong ngay…Chờ một chút.
Rồi Tri lật đật chạy trở vô. Chờ khoảng mười phút Cảnh ra,
hai người lại nói gì đó rồi cười vang. Khi tiễn Tri ra cổng,
Cảnh giơ tay chào Huấn:
-Thứ ba Huấn đi với Tri lại nhà mình ăn giỗ. Nhớ tới cho vui nghe.
Trên đường về Tri kể:
-Thằng Cảnh quảng cáo con gà này tuy nhỏ nhưng là gà thả
vườn, nhà nuôi cho ăn toàn lúa thóc nên thịt thơm ngon…
Huấn ngắt lời:
-Nhưng quan trọng là má thằng Cảnh có hỏi gà ở đâu mà bạn
nó có không? Coi chừng họ nói gà ăn trộm…
-Mệt quá, mình có ăn trộm đâu mà sợ. Thằng Cảnh nói với má
nó là trên quê gởi xuống cho hai con nhưng bạn nó ăn một con,
còn một con không biết nhốt đâu nên “nhường” lại cho nó vì
nghĩ nhà nó có sân rộng, muốn nuôi tiếp cả tháng cũng không
sao. Đến khi thấy con gà mái tơ này ngon quá nó kêu má nó
lấy nấu đám giỗ. Tiền bạc thì cho nhiêu cho, bạn nó là học
trò chớ có phải dân “lái gà” chuyên nghiệp đâu mà biết giá.
Má thằng Cảnh nói vậy thì bà nhắm con gà này ở ngoài chợ
bán bao nhiêu thì bà mua bấy nhiêu, không bên nào phải chịu
thiệt.
Rồi như thấy mình hơi cộc, Tri nhỏ giọng:
-Gà của mình thì ăn hay bán là quyền của mình. Gà ở quê đem
xuống cho mình là sự thật. Chỉ có thằng Cảnh nói láo một
chút là trên quê cho hai con…..mà nói láo chút xíu đó thì có
hại gì tới ai đâu.
-Nhưng tại sao phải nói láo là hai con?
Tri cười, ngón tay trỏ gõ gõ vô màng tang:
– Thông minh là ở đây nè. Thằng Cảnh rành tâm lý lắm.
-Huấn không hiểu.
-Nếu thằng Cảnh nói một con thì chưa chắc má nó đã chịu
mua. Tâm lý mấy bà mẹ khi biết trên quê gởi gà xuống cho con
cái để bồi bổ mà tụi nhỏ cần tiền mua thêm bút mực sách
vở đến phải nhịn thì thà bán ở đâu khuất mắt chớ kêu họ
mua thì họ áy náy, họ ngại . Còn đã có ăn một con rồi
thì…khà..khà…đúng là thằng bạn “chí cốt”của tui.
Nghe Tri nói Huấn cảm thấy hơi an lòng:
-Ừ, cũng tạm ổn. Vậy thứ ba này mình có tới ăn giỗ không?
-Sao không? Thằng Cảnh mời thiệt chớ không phải mời lơi đâu.
Đó, thấy chưa? Vừa có tiền đi hội chợ vừa được ăn cháo
gà…hì..hì…Một mũi tên bắn trúng…hai con… gà!
Tối đó hai chàng trai trẻ cất tiền vô chiếc hộp gỗ và khi
đậy nắp hộp lại họ có cảm giác như vừa “ nhốt” thêm một
niềm vui…..Ngày Chúa Giáng Sinh đang dần tới.

xxxxx

Khi Huấn và Tri tới nơi thì không thấy chú Biền và mấy anh em
anh Kiên. Tri sốt ruột:
-Hay là Huấn cứ đứng đây chờ để Tri vô trong tìm Mai Quế.
-Chờ thêm một chút rồi cùng vô chung luôn. Kìa, họ tới kìa.
Cả hai chạy lại, chú Biền cười:
-Sao hai đứa tới sớm vậy?
Huấn và Tri chào anh em anh Kiên. Hai cô gái  khẻ gật đầu.  Anh
Kiên nhìn Huấn:
-Có phải hôm trước em theo Biền tới nhà anh chơi không? Em là..là…
Huấn nhỏ nhẹ đáp:
-Dạ…em tên Huấn. Em học cùng lớp với Tri, cháu chú Biền.
Chú Biền giải thích:
-Huấn là anh bà con của Tri, hai đứa học chung lớp. Kêu chú
là kêu theo thằng Tri chớ nó không phải cháu mình.
Anh Kiên cười nhưng hai cô em gái thì vẫn im lặng. Nhất là cô
tóc dài, mắt cô nhìn xa tận đâu đâu. Cô là con Suối, Huấn
biết rồi vì Huấn đã từng nghe câu hát: Tìm cho thấy liễu
xanh xanh lả lơi. Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai…..
Chú Biền nói với mọi người:
-Thôi mình vô đi.
Sân trường rộng mênh mông, dưới mỗi tán cây là một gian hàng,
đèn hoa kết giăng thật đẹp mắt. Huấn thấy gian hàng nào cũng
có người bu quanh. Tiếng cười nói, tiếng kêu nhau ý ới thật
náo nhiệt. Ai cũng trẻ, ai cũng vui tươi, ai cũng ăn mặc bảnh
bao và nữ sinh của trường “bà xơ” sao mà xinh quá! Huấn cảm
thấy lòng mình hân hoan, một cảm giác lâng lâng khó tả. Cảnh
vui, người vui, Huấn vui. Hình như có một con suối nhỏ đang
chảy róc rách…nhẹ nhàng…mơ hồ  trong tâm hồn Huấn và cái
cảm giác mơ hồ đó dẫu có là thi sĩ, văn sĩ  hay nhạc sĩ
cũng không thể nào tả một cách trọn vẹn. Huấn biết chắc
điều đó. Ai giỏi gì mà tả được.
Chú Biền khều Huấn: “rủ mấy đứa chơi thảy vòng đi” rồi chú
quay sang anh Kiên nói lớn:
-Hai đứa mình qua gian hàng bắn súng thử coi có bắn được con
thỏ bông nào không.
Huấn mua mấy vòng đưa cho hai chị em nhưng con Sông nói:
-Anh thảy trước đi, mấy con vịt này cứ chạy tới chạy lui khó
mà trúng lắm.
Huấn thảy một vòng rồi hai vòng nhưng không thể tròng vào cổ
con vịt, Huấn đưa cho con Suối:
-Em thảy thử đi. Biết đâu em khéo hơn anh.
Con Suối cầm vòng đợi cho bầy vịt lại gần rồi thảy mạnh
một cái nhưng vòng rơi xuống đất, bầy vịt thản nhiên
cạp..cạp…lạch bạch đi qua đi lại.
Tiếng mời chào của gian hàng gần đó nghe thật hấp dẫn: kính
mời quí khách trước chiêm ngưỡng bàn tay ngà ngọc, sau làm
từ thiện bằng cách chơi trò chơi thảy vòng. Nếu quí khách
thảy chiếc vòng lọt vào bàn tay mỹ miều này quí khách sẽ
là chủ nhân của một món quà giá trị. Gian hàng chúng tôi sẽ
trích tiền trên mỗi chiếc vòng quí khách mua để giúp trẻ mồ
côi ăn Tết. Mại dô…mại dô…Anh hai bên đây mua năm vòng, chị đẹp
ơi, mời chị thảy vòng….chị này mua mười vòng, hoan hô chị.
Bà con ơi, trước mua vui sau làm phước.
Khi đi ngang qua gian hàng bán đồ lưu niệm con Suối đi chậm
lại. Con gái thường thích những món đồ xinh xắn mà, hiểu ý
nên Huấn bước tới trước, cả một rừng màu sắc thật sinh
động. Một cô bán hàng đon đã:
-Xin mời  ghé vô…tất cả sản phẩm ở đây đều được làm từ
những bàn tay tài hoa khéo léo của nữ sinh trường chúng tôi.
Anh ơi, mua tặng người đẹp một món quà làm kỷ niệm đi anh.
Ba bốn cô đồng thanh:
– Mua mở hàng đi…
Con Sông mua chiếc khăn tay có thêu một cành lan nhỏ, con Suối
lấy con mèo tam thể kết bằng vải. Con Sông vừa định mở ví
nhưng Huấn đã trả và đang nhận tiền thối lại từ cô bán
hàng. Huấn thấy hôm nay mình nhanh nhẹn hơn mọi khi, chắc sắp
là dân thành phố “chính hiệu” rồi.
Tri nói nhỏ với Huấn:
-Tìm hoài mà không thấy Mai Quế, lạ quá!
-Hay là không đi.
-Không đi sao được. Mai Quế phải có mặt vì lớp có tham gia
một gian hàng mà, còn hẹn cứ vô trong sẽ gặp. Vậy mà…bực
ghê! Thôi, qua gian hàng kế tiếp đi.
Khi tới gian hàng Bàn Tay Ngọc, Huấn thấy một cô cầm loa, một
cô cầm một mớ vòng và hai cô đang sắp xếp những món đồ làm
quà trúng thưởng. Cách chỗ khách đứng khoảng gần hai thước
là một chiếc bàn nhỏ, phía trên kê một khúc gỗ láng bóng,
có tạo một hình bán nguyệt vừa đủ cho bàn tay tựa lên. Một
cô gái ngồi ẩn mình sau  tấm màn, mọi người chỉ nhìn thấy
mỗi bàn tay của cô thôi. Đẹp thật, tay cô trắng và thon, da
mịn màng, năm ngón chụm lại như một búp sen trông thật đáng
yêu.  Huấn mua năm vòng đưa cho con Suối:
-Em thảy đi. Từ từ..bình tỉnh… ồ, trật rồi. Em thảy tiếp đi.
Đến lần thứ năm mới thành công. Hai chị em reo lên:
-Hoan hô…hoan hô…Trúng rồi.
Cô gái phụ trách gian hàng cầm loa:
-Chiếc vòng đã được tròng vào bàn tay ngọc. Cô gái xinh đẹp
này đã thắng. Mời cô chọn một trong những món quà có trên
quầy. Bà con ơi, trước mua vui sau làm phước..kính mời…kính
mời.
-Chọn gì anh? Con Suối nũng nịu hỏi Huấn.
– Em có thích con búp bê kia không?
Con Suối lấy con búp bê. Tri kề tai Huấn:
-Mới đó mà đã anh em ngọt xớt nghen.
-Đệ Tam kêu Đệ Ngũ bằng em chớ không lẽ kêu bằng chị. Nè,
thảy thử một vòng lấy hên đi, bàn tay đẹp quá.
Tri cầm chiếc vòng, cố chồm người quăng mạnh nhưng vòng rớt
ra ngoài. Tri lấy tiền mua thêm vòng nhưng dù đã thay đổi
nhiều tư thế khác nhau cũng không có chiếc vòng nào tròng
được vào cái búp sen xinh xắn kia. Tri lầm bầm:
-Thấy thon thon tưởng dễ ăn…. Thôi, không chơi nữa.
Rồi thì thầm với Huấn:
-Tri mà gặp được Mai Quế thì biết tay. Hẹn hò kiểu gì lạ
vậy. Huấn ở lại ráng mua thêm vòng cho em gái thảy, thảy cho
tới khi bàn tay ngọc đeo vòng từ cùi chỏ tới mắt cá .…
Huấn đẩy Tri ra:
-Thôi, lo đi tìm đi. Chúc may mắn.
Anh Kiên và chú Biền tới, con Suối khoe:
-Anh Hai, em được con búp bê nè.
Chú Biền cười lớn:
-Trời ơi, học Đệ Ngũ mà còn chơi búp bê sao?
Con Suối cầm con búp bê đập nhẹ lên tay chú Biền: “anh này…”
nhưng mắt thì liếc Tri và Huấn.
Trước khi đi Tri khều khều tay Huấn, Huấn cười với Tri nhưng
mắt thì liếc con Sông và con Suối. Hôm nay bách tính trong
thiên hạ ai ai cũng vui và những âm thanh cùng với tiếng cười
như hòa quyện vào nhau, tấu lên một khúc hoan ca vô tận.
Anh Kiên nói với chú Biền:
-Qua gian hàng phi tiêu xem sao. Gian hàng này của lớp em gái
Vĩnh Thăng, bạn mình.
Năm người kéo nhau qua dãy có gian hàng phi tiêu. Tiếng mời
chào nghe thật hấp dẫn. Trên tấm bảng có vẽ một vòng tròn
lớn bằng cái nón lá, một chấm đen cỡ như đồng xu được tô
đậm ngay giữa tâm. Ai phóng phi tiêu trúng tâm sẽ nhận được
phần thưởng. Một thanh niên đang cố phóng nhưng cả nắm phi tiêu
trên tay lần lượt vơi đi mà vẫn không trúng đích. Anh Kiên đùa:
-Cô chủ gian hàng xinh đẹp thế kia thì khách làm sao đủ bình tĩnh …
-Anh Kiên, anh Kiên.. Cô gái reo lên rồi chồm người ra, cô cầm
tay anh Kiên lắc lắc:
-Anh Thăng em cũng tới, ảnh đang thăm gian hàng quay số của chị
Nhị, chắc cũng sắp qua chỗ em.
Anh Kiên hỏi mua phi tiêu, các cô gái phụ trách gian hàng cười
tươi như hoa. Em gái Vĩnh Thăng liếng thoắng:
-Anh mua nhiều ủng hộ cho bọn em, mỗi chiếc phi tiêu trúng tâm
là anh được nhận một món quà. Có nhiều quà đẹp lắm. Phóng
mấy lần đầu chưa được thì cứ mua thêm, phóng một lúc quen tay
thể nào cũng trúng.
-Cỡ bao nhiêu lần mới quen tay hả em? Chú Biền trêu.
-Như mới hồi nãy có một anh đi với một chị rất xinh, ảnh
phóng tới hai lon sữa bò khoảng 40 phi tiêu rồi…
-…rồi tiêu luôn. Huấn đưa hai bàn tay lên lắc qua lắc lại, cử
chỉ biểu hiện là không có gì hết.
Cô gái liếc Huấn, vành môi hơi cong cong có chút hờn dỗi:
-Sao mà tiêu luôn? Rồi tới cái cuối cùng chắc đã quen tay nên
trúng phóc, ngay tim .
-Người khách đó được quà gì? Anh Kiên vui vẻ góp chuyện.
-Dạ, anh ấy lãnh được một cây bút chì có hai đầu, một đầu
đậm một đầu lợt.
Ai cũng cười. Một cô trút hết phi tiêu từ lon sữa bò ra đếm.
Anh Kiên lấy ví ra nhưng Huấn đã nhanh tay hơn, bữa nay người ta
đang muốn chứng tỏ mà…. Lần lượt từng người một phóng nhưng
có cái thì rơi xuống đất có cái thì găm lệch ra ngoài tâm,
tiếng cười tiếng suýt xoa tiếc rẻ làm cho không khí gian hàng
sôi động thêm. Tới phiên Huấn mấy cô gái vỗ tay cổ vũ, Huấn
mỉm cười nhìn con Suối như thầm bảo “sẽ thành công” nhưng khi
Huấn đang chuẩn bị phóng thì nghe anh Kiên reo: Vĩnh Thăng.
Huấn dừng tay quay lại, một thanh niên bước tới. Anh Kiên và
người đó bắt tay nhau và dưới cái nhìn của Huấn thì cách
chào hỏi của họ có chút gì đó hơi chừng mực và kiểu cách.
Họ vẫn còn là học trò như chú Biền như Tri như Huấn mà sao
họ lại cư xử với nhau có vẻ trịnh trọng vậy? Huấn cảm thấy
xa lạ với họ mặc dù anh Kiên đã là một người quá đỗi thân
quen với chú Biền và giờ đây cũng đã là hình ảnh gần gũi
ấm áp trong lòng Huấn. Chỉ một tích tắc sao bỗng dưng anh
trở thành kẻ xa lạ? Cái cảm giác xa lạ khiến Huấn cảm thấy
lòng không yên, tựa hồ như mình sắp mất một thứ gì đó  nhưng
rồi lại tủi thân khi chợt nhận ra “thứ gì đó” đâu đã phải
là của mình.
Anh Kiên giới thiệu:
-Vĩnh Thăng, bạn hồi học Judo với mình và đây là Biền, bạn cùng lớp.
Hai người bắt tay nhau. Chú Biền nói:
-Mình đến nhà Kiên chơi nhiều lần nhưng chưa có dịp gặp Vĩnh Thăng.
Anh Kiên giải thích:
-Chưa gặp là phải vì Vĩnh Thăng học ở Nha Trang, nhân dịp
Giáng sinh về thăm nhà vì trường Tây  được nghỉ cho đến qua
Tết dương lịch. À, đây là hai cô em gái của mình. Ở nhà kêu
con Sông con Suối cho thân mật nhưng đi học một đứa là Sông
Thanh một đứa là Suối Ngọc.
Hai chị em e thẹn chào Vĩnh Thăng. Sao họ lại e thẹn? Hồi nãy
chào Tri và Huấn họ chỉ gật đầu nhè nhẹ chứ có e thẹn đâu.
Huấn không hiểu nhiều về con gái nhưng khi nhìn thẳng vào
Vĩnh Thăng thì Huấn thấy người này có cái gì đó khác với
chú Biền, càng khác với Tri và Huấn. Khác chỗ nào, khác
cái gì … không biết. Chỉ biết là  rất khác. Cái cảm nhận
về sự “rất khác” len dần vào lòng Huấn, len càng sâu Huấn
càng buồn. Vĩnh Thăng đứng đó, nổi bật giữa đám đông với
phong thái tự tin trông rất quyến rũ. Hồi giờ Huấn thấy chú
Biền là một thanh niên khá bảnh bao vì thường được bà nội
Nhỏ sắm sửa chăm chút nhưng sao giờ đây trong mắt Huấn chú
Biền giống như cây đèn dầu hao, cây đèn nhỏ xíu với thứ ánh
sáng lờ mờ, leo lét.… tuy lãng mạn nhưng cũ kỹ, hắt hiu và
cam phận. Miên man với những ý nghĩ đó, Huấn thấy lòng mình
chùng xuống và rồi cảm giác như có đám sương mù trước mặt
khi Huấn bắt gặp con Suối nhìn Vĩnh Thăng đầy vẻ ngưỡng mộ.
Đôi mắt long lanh cùng đôi má ửng hồng kia hướng về phía bên
trái, cái bên mà người thanh niên có cái gì đó “rất khác”
đang đứng. Huấn thấy  nghèn nghẹn ở cổ và bỗng chốc chiếc
phi tiêu Huấn đang cầm trong tay như từ từ trở đầu rồi tiến
thẳng tới lồng ngực….đâm mạnh vào tim, đau nhói.

Tri đi loanh quanh nhưng tìm hoài vẫn không thấy Mai Quế. Khi đi
ngang qua gian hàng ném banh Tri thấy cô gái mặc áo hoa trông
quen quen. Hình như là bạn của Mai Quế vì có một lần Tri gặp
hai người đi với nhau. Cô gái thấy Tri nhìn mình thì cười
thật duyên:
-Mời anh thảy banh. Banh trúng ….Ba bốn cô đồng thanh: banh
trúng có thưởng, mua banh đi…xin mời… xin mời!
Bạn Mai Quế ở đây thì gian hàng này là của lớp Mai Quế
rồi. Chắc cô nàng đang đi đâu đó. Nghĩ vậy nên Tri đồng ý mua
banh. Cô tóc dài có cài băng đô tím đưa ra một chiếc giỏ mây:
-Trong giỏ có tất cả 5 quả banh, anh ném banh lọt vào lỗ
nào thì anh nhận được món quà mang con số tương ứng với lỗ
ấy. Thí dụ anh ném banh lọt vào lỗ số ba thì…
-Mua một banh được không?
-Bán luôn một giỏ chớ không bán lẻ. Anh thông cảm cho. Làm gì
có ai chỉ ném một quả rồi nghỉ chơi.
Cô tóc đuôi ngựa đặt chiếc giỏ vào tay Tri. Tri chưa kịp nói
gì thì nghe như có ban tam ca cất tiếng bắt nhịp với điệp
khúc:
– Ném đi!…Ném đi!… Ném đi!
Ném một giỏ chưa trúng chưa thấy Mai Quế. Ném hai giỏ không
trúng không thấy Mai Quế. Tới giỏ thứ ba  chẳng trúng cũng
chẳng thấy và rồi không thể dằn lòng, Tri hỏi:
-Gian hàng này của lớp Đệ Tứ?
-Không phải. Đệ Tứ ở bên kia. Dãy bên này là của lớp Đệ Ngũ.
-Nhưng bạn đang học Đệ Tứ mà…
Cô áo hoa cười lớn:
-Em học Đệ Ngũ, Đệ Tứ là chị của em. Hai chị em giống nhau
nên có nhiều người  thấy em thì tưởng là…
Tri bỏ đi một mạch. Tốn tiền mua banh làm chi vậy trời!
Vừa tức vừa mệt Tri ghé tới gian hàng bán đồ giải khát.
Gian hàng chiếm một góc khá rộng, có ba cái bàn nhỏ cho
khách ngồi. Một tấm bảng ghi tên các loại chè và thức uống
có kèm giá tiền được treo ngay trước quầy. Nhìn giá chóng
mặt muốn xây bồ bồ. Tri hỏi “sao mắc vậy” thì nhận được một
câu trả lời có kèm một nụ cười khuyến mãi : “toàn bộ tiền
lời dành để giúp trẻ mồ côi vui xuân. Trước ăn ngon sau làm
phước mà anh.” Vậy thì chịu thua. Người ta làm phước thì
mình cũng nên làm theo, nếu không làm theo thì làm thinh cho
rồi. Thắc mắc chi cho người ta nói mình so bì nhỏ mọn, sống
mà không có lòng từ tâm.
Tiền không còn nhiều nên phải tiết kiệm, Tri kêu một ly trà
đá. Cô áo tím cười ỏn ẻn:
-Dạ ở đây không có bán trà đá. Anh uống cam tươi nghen?
Chữ “nghen” đó rõ ràng không phải là một sự gợi ý hay hỏi
ý vì áo tím chưa nghe khách trả lời đã kêu:
-Một cam tươi, ly lớn đi các bạn ơi!
Áo xanh, áo hồng, tóc dài, tóc thắt bím…như một đàn bướm xuân:
-Có ngay…có ngay…
Tri liếc bảng giá. Ly nhỏ…ly lớn… Mai Quế ơi là Mai Quế!

Uống nước nhưng Tri không ngừng quan sát, đưa mắt nhìn quanh hy
vọng thấy Mai Quế đâu đó nhưng chỉ có thằng Cảnh đang đi tới
cùng một lũ con nít, thằng bạn “chí cốt” lúc nào cũng ồn
ào:
-Tao thấy mầy từ xa nhưng kêu hoài mà mầy không nghe. Hồn vía
mầy để trên mây hả? Chào cậu Tri đi mấy đứa.
Bốn năm cái miệng nhao nhao chào cậu, thưa cậu điếc cả tai.
Tri cười, nhìn thằng bạn với ánh mắt ái ngại:
– Mầy dắt đám lu la lục lạc này đi đâu vậy?
Cảnh than:
-Bà già tao nói hồi giờ tụi nhỏ chưa đi hội chợ, nay dắt đi
cho biết. Tao đâu muốn nhưng mấy bà chị năn nỉ quá đành bấm
bụng nhận lời. Trời ơi, tới gian hàng nào tụi nó cũng đòi
chơi, chạy nhảy lung tung tao mệt quá nên dẫn tới đây cho ăn
uống chút đỉnh gì rồi dẫn về, coi như đã hoàn thành nhiệm
vụ.
Quay qua mấy đứa cháu Cảnh hỏi:
-Ăn gì, uống gì?
Tụi nhỏ chưa kịp trả lời, cô bán hàng đã nhanh nhẩu:
-Anh ơi, có chè đậu đen, xi rô, hột ư hột é …. nhưng ngon nhất
là sâm bổ lượng. Anh cho mấy em nhỏ ăn đi, vừa ngon vừa bổ.
Tri liếc cô gái, thầm nghĩ: sao không quảng cáo “vừa ngon vừa
bổ vừa cắt cổ” cho đủ bộ luôn.
-5 ly sâm bổ lượng. Cảnh đưa nguyên bàn tay lên trời. Năm ngón
xòe ra như cái quạt.
Cảnh hỏi “tới hồi nào, sao ngồi đây một mình” Tri thở dài, im lặng.
-Sao vậy? Hay mày bị cho “leo cây” rồi?
Tri nhìn ra xa:
-Đi nãy giờ mỏi chân khát nước thì ghé đây chớ leo gì mà leo.
-Thôi ông ơi, nhìn cái mặt ông nhăn như khỉ là tui biết ông
đang “leo cây” rồi. Ông từng nói tui là nhà tâm lý học thì ông
không chối được đâu…Tội chưa!
Tri chưa kịp có phản ứng gì thì Cảnh vụt đứng dậy:
-Mày ngồi đây tao ra gặp ông thầy cũ một chút. Coi mấy đứa
nhỏ giùm tao.
Tri nhìn theo thấy Cảnh ôm chầm một người đàn ông đứng tuổi,
rồi hai người vừa đi vừa nói, chẳng mấy chốc họ khuất sau
mấy gian hàng. Tri thẫn thờ bưng ly nước lên uống, nghe gọi là
nước cam nhưng nước nhiều hơn cam. Quay nhìn 5 ly sâm bổ lượng
thì mới đó mà đã vơi hơn một nửa. Con nít gì mà ăn uống như
cọp. Tri lại thở dài.
Thấy tụi nhỏ liếc liếc chai xi rô rồi thì thầm với nhau, một cô hỏi:
-Mấy em muốn uống thêm hả, xi rô nghen?
Nghe chữ “nghen” tự nhiên Tri nổi da gà, chữ “nghen” này chắc
cùng kiểu với chữ “nghen” của ly cam tươi đây. Tri xua tay:
-Thôi thôi, cho uống đủ thứ rồi đau bụng ai chịu trách nhiệm.
Bổng cô thắt bím gọi lớn: Mai Quế! Tri vội quay lại. Mai Quế
đang tiến về phía gian hàng giải khát. Tri bước ra đón, miệng
cười nhưng ánh mắt có một chút trách móc:
-Sao giờ này mới tới?
Mai Quế nguýt dài, con mắt có đuôi như muốn quét trôi mọi thứ
trước mặt:
– Rảnh rỗi quá nên ghé đây ăn chè chớ gì!
Mấy cô gái trong gian hàng nhao nhao:
-Mai Quế, vô đây..vô đây. Trời ơi, nghe nói gian hàng của lớp
bồ lúc nào cũng đầy khách. Vậy là thắng lớn rồi.
Không thể hiểu nổi. Tri có bỏ sót gian hàng nào đâu. Vậy thì
Mai Quế đã phụ trách gian hàng nào? Tri nhìn Mai Quế nhưng cô
gái giả lơ, cô nói với các bạn:
-Ngồi lâu ê cả người, mỏi tay lắm. Kim Tuyến đang ngồi thay cho mình.
Cô mặc áo tím cầm hai tay Mai Quế săm soi:
– Tụi mình nghe mấy người tới đây uống nước khen Bàn Tay Ngọc
dữ lắm. Có nhiều anh chàng còn ước một lần được ….
Cả đám con gái tươi tắn xinh đẹp cười vang, Mai Quế cười với
họ mà vẫn không thèm nhìn Tri. Thì ra bàn tay có năm ngón
chụm lại như búp sen kia đã ở ngay trước mặt Tri, Tri còn cố
gắng thảy chiếc vòng vào bàn tay đó nữa chứ. Mai Quế đã
ngồi sau tấm màn, hai người chỉ cách nhau có hai thước mà
không hề hay biết.
Khi nghe Mai Quế chào “mình đi nghe, chúc mua may bán đắt” Tri
vội vàng trả tiền. Cô áo hồng cầm tiền, chớp chớp hai hàng
mi cong rồi nhỏ nhẻ:
-Anh ơi, còn 5 ly sâm bổ lượng…
Tri chưng hửng. Làm sao đây? Mai Quế háy Tri một cái rồi bước
nhanh…. Nguy to rồi…ba hồn chín vía thằng Cảnh mau quay về, bớ
Cảnh! Trật rồi… sai rồi…nam thất nữ cửu mà! Bớ …ba hồn bảy
vía thằng Cảnh…Cảnh ơi!
Không thể chờ đợi thêm, phải mau mau chạy theo vì Mai Quế vừa
mất hút trong đám đông giữa sân trường.
-Nhiêu?
-Mỗi ly…vậy năm ly .…
Tri liếc bảng giá: 4 lần 5 là….rồi rút ra tờ bạc cuối cùng,
đó là tờ hai chục của má thằng Cảnh.  Số tiền “bán gà”
vừa đủ thanh toán cho 5 ly sâm bổ lượng “oan nghiệt” kia.

xxxxx

Ăn cơm chiều xong Biền thấy Tri và Huấn múc phần cơm dư bỏ vô
hai cái ca uống nước thì hơi ngạc nhiên nhưng không hỏi. Sáng
hôm sau được nghĩ hai giờ đầu Biền qua đóng tiền cơm tháng cho
dì Sên thì nghe tiếng đứa con gái lớn của dì từ nhà dưới
vọng lên : má ơi, hồi giờ qua thu mâm về lúc nào cũng còn cơm
dư cho con Mực nhưng bữa nay mấy ảnh ăn sạch sành sanh. Chắc
con phải xúc thêm gạo chớ không thì chó nhà mình đói.  Tiếng
dì Sên từ nhà trên vọng xuống : ừ, nấu thêm cơm đi con. Chắc
đang tuổi ăn tuổi lớn…sức trai mà.

Xong việc tiền nong với dì Sên, Biền về. Không gian im ắng,
tỉnh mịch vì hai “thằng cháu” đã đi học từ sáng sớm. Khi
xuống nhà sau chuẩn bị tắm rửa Biền thấy hai cái ca uống
nước cùng hai cái muỗng nằm chỏng chơ trong xó cửa, trên
miệng ca còn dính mấy hột cơm. Mùi xì dầu rẻ tiền hăng hắc
xông lên…..Quá thảm!

Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Tháng 5/2011{jcomments on}

 

0 thoughts on “Hội Chợ

  1. Lê Huy

    Hi… Baloo
    Bữa đó AD với mấy đứa bạn cũng có tới Hôi Chợ này, cũng có tới gian hàng Bàn Tay Ngọc mà sao không gặp Baloo ?

    Reply
  2. Kiều Thanh

    Thiệt là thú vị .Cám ơn chị Thùy Hạnh với lối văn tinh tế và đậm chất người .

    Reply
  3. Tú Nhân

    Ôi chao ! đọc một mạch thật là sinh động và dí dỏm buồn cười cho mấy chàng trai sức ăn sức lớn .

    Reply
    1. Thùy Hạnh

      Nếu nói trường phái “Yêu Mến Kỷ Niệm Xưa” thì Phượng có đồng ý không?

      Reply
  4. Thu Thủy

    Chị thân yêu
    Mỗi lần đọc truyện của chị viết là em lại mỉn cười vì những nhân vật ngồ ngộ với những tình tiết vui vui gợi nhớ một thời tuổi trẻ ngô nghê của mình em nghĩ hồi xưa chắc chị hơi hơi nghịch ngầm đúng không hỡ chị ?

    Reply
    1. Thùy Hạnh

      Mong có một ngày được cùng ăn “gié bò” với mẹ con nhà Gấu.

      Reply
  5. Văn Công Mỹ

    Những hoài niệm về tuổi thơ của Baloo thật trong sáng với lối kể dung dị, nhẹ nhàng, thu hút.

    Reply
    1. Thùy Hạnh

      Chào Sói Con! Sao thức khuya vậy? Sáng nay vừa đọc mấy bài của những trang đầu trong cuốn thơ được tặng tối hôm qua. Vừa đọc vừa mường tượng nhớ lại khuôn mặt, chiếc mũ, khăn quàng cùng nụ cười của một chú bé 12 tuổi đang mở mắt vễnh tai. Chúc mừng em!

      Reply
        1. Quốc Tuyên

          Thành công tốt đẹp hả, chúc mừng nhen!
          (cho em ké chút xíu nha chị Hạnh)

          Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.