Lưu Bút Ngày Xanh

Tác giả: Huỳnh Thị Thùy Hạnh

Về thăm gia đình lần này Khanh không phải về tận quê xa như
những lần trước vì mẹ đã được chị Huyền đón vô Sài Gòn kể
từ ngày cha Khanh qua đời. Căn nhà nhỏ trong một con hẻm nhỏ
cùng hai bóng dáng mỏng manh làm cho cái gì nơi đây cũng trở
nên nhẹ nhàng, êm ả. Thời gian như chậm lại khi nắng trải
chầm chậm ngoài sân, gió thoảng chỉ đủ lay cành trúc mảnh
trước hiên nhà, Khanh thực sự thấy mình được bình yên hạnh
phúc. Tuần đầu Khanh dành trọn thời gian để được ở bên mẹ
và chị. Hai người phụ nữ thay nhau săn sóc Khanh như đang chăm
sóc một đứa trẻ, có lần Khanh nửa đùa nửa thật nói với
mẹ:

-Con có còn nhỏ như ngày nào đâu mà mẹ cứ nhắc con không
được ăn thứ này không nên uống thứ kia, chiều chiều lại còn
nhắc con phải đi tắm, lại còn kêu chị giặt áo quần cho con
nữa ….

-Nhỏ lớn gì không biết, mẹ chỉ biết con là con trai của mẹ,
thằng cu Tèo của mẹ.

Khanh dẫy nẩy :

-Mẹ ơi, con bây giờ đã là một người đàn ông trung niên, con là
Phan Khoa Khanh, phụ tá giám đốc công ty thuộc tập đoàn…..

-Tập đoàn gì mẹ không cần biết, con đã uống viên thuốc chống
dị ứng chưa? Ngày mai con muốn ăn gì? Mì quảng hay bún bò để
mẹ biểu chị đi chợ mua thịt mua rau về làm, mình nấu vừa
ngon vừa rẻ lại sạch sẽ nữa con à.

Khanh choàng tay ôm vai me:

-Mẹ ơi! Con cũng sắp già rồi, cháu nội mẹ đã tốt nghiệp
đại học, vừa được nhận vào làm việc cho….

-Cho ai? Cho tổng thống Obama hả? Các cô các cậu làm ông to bà
lớn gì mẹ không cần biết, cứ về đến nhà mẹ là …. Thôi,
không nói dông dài gì hết, con lên lầu ngủ trưa, 2 giờ thức
dậy mẹ múc chè hột sen cho con ăn.

Bực thật, Khanh nói nhỏ với chị Huyền khi thấy chị đưa tay
che miệng cười nhưng tận trong sâu thẩm lòng mình Khanh biết
chỉ là“bực giả”bởi vì một khi trở về bên kia sẽ không có
giấc ngủ trưa nào hết nói chi đến chuyện có người múc cho
chén chè. Còn lần tới về thăm chắc gì mắt mẹ còn tỏ, chắc
gì lưng mẹ chưa còng để tự tay mẹ múc cho con trai của mẹ
chén chè hột sen ….chỉ mới nghĩ đến thôi mà người đàn ông
trung niên, phụ tá giám đốc công ty thuộc tâp đoàn …..đã thấy
mắt mình cay xè.

Khanh bước chầm chậm dọc theo con đường bên cạnh nhà thờ Đức
Bà, thời tiềt tháng mười hai thật dễ chịu, trời trong khiến
mọi vật như long lanh hơn dưới ánh nắng. Khanh băng qua bên kia
đường, anh đứng trước bưu điện, ngắm nhìn tòa nhà một thời
đã từng là một cung điện nguy nga tráng lệ dưới mắt của cậu
học trò 16 tuổi lần đầu đặt chân lên đất Sài Gòn hoa lệ.
Khanh ghé lại một sạp bán thiệp và đồ lưu niệm dưới gốc cây
bên thềm, chưa kịp lựa được tấm thiệp nào ưng ý thì Khanh
nghe giọng nói của người phụ nữ đứng bên cạnh sao quen quen.
Nghe thêm vài câu trao đổi nữa giữa người bán và người mua
thì anh chắc chắn mình đã từng biết người phụ nữ này. Khi
hơi ngữa mặt để vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán người
phụ nữ bắt gặp Khanh đang nhìn mình, một thoáng ngỡ ngàng
qua đi, Khanh kêu lên:

-Kim Chung

-Hình như….ồ không…Chính là Khanh.

– Mấy mươi năm mới gặp lại. Khanh vẫn nhìn ra …biết ngay mà,
rồi sẽ có ngày…

Hai người ôm chầm lấy nhau, người này hỏi người kia cũng hỏi
nên chẳng ai trả lời ai được câu nào. Kim Chung líu ríu :

-Gần đây có một quán cà phê nhỏ, mình vào đó nói chuyện.

Hai người bước đi nhẹ tênh làm như thể nếu bước mạnh hơn thì
một trong hai sẽ biến mất. Bỗng nghe có tiếng kêu :

-Chưa trả tiền, chưa trả tiền, anh gì ơi, chị gì ơi, cho em xin tiền.

Khanh vội vã quay lại, anh vừa móc ví vừa cười:

-Xin lỗi, chúng tôi vô ý quá.

-Hiểu…hiểu… hiểu mà, anh chị là cố nhân chớ gì, thấy cảnh
hội ngộ là biết ngay người xưa trở về. Em tính giá “hữu
nghị” nghen, chị lựa 4 tấm thiệp giáng sinh mỗi tấm 20 ngàn,
4 tấm phong cảnh mỗi tấm 25 ngàn vị chi là 180 ngàn, anh trả
tiền nào với em không thành vấn đề,

không có tiền Việt thì đưa em 10 đô em cũng ô kê luôn. Chúc
quý cố nhân vui vẻ, hạnh phúc.

Khanh thích sự nhanh nhẩu, lém lĩnh của cô bán hàng, “đời sao
mà vui quá cố nhân ơi!”.

Được ngồi cùng Kim Chung ở một gốc phố yên ả Khanh thấy lòng
mình nhẹ nhàng, những lo toan về công việc, về cuộc sống
dường như chưa từng hiện hữu. Khanh ngắm Kim Chung, nét duyên
ngầm cùng gương mặt sáng thường khiến người ta nhớ lâu, có
thể lâu bằng thời gian đủ để một thiếu niên trở thành một
một người trung niên?

-Cà phê ở đây ngon quá, sao Khanh không thấy bảng hiệu?

-Không có tên nên em gọi là Cà phê Bưu điện, có vài người bạn
đặt tên là Quán nhỏ Bên đường cho có vẻ văn thơ một chút.

Khanh hơi ngạc nhiên và thấy vui vui khi nghe Kim Chung xưng “em”.
Ngày xưa học chung một lớp đời nào con gái xưng “em”, họ
thường kêu con trai là “trò” và xưng là “tui” Có khi còn xem
mặt mà bắt hình dong, thấy đứa con trai nào nhỏ con, hiền
lành thì kêu tên rồi xưng “chị”như phát lời “cảnh báo” về vai
vế. Riêng “Chuông Rè” nếu hôm nào được Khanh cho “cọp dê” bài
thì xưng tên nghe thật nhu mì. Cha mẹ người ta đặt cho cô con
gái yêu cái tên Kim Chung nghĩa là Chuông Vàng, cao sang và có
giá (vì vàng mắc hơn đồng) thế mà bọn con trai lại đổi
thành Chuông Rè. Chuyện gì cũng có nguyên do, cớ sự, số là
hồi đó có đoàn cải lương Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô
về diễn 3 đêm tại rạp Tân Châu Hí Viện, đêm nào rạp cũng đầy
khán giả. Nghe nói lúc cô đào chánh Bích Hợp cất tiếng khóc
than cho mối tình éo le của mình, tất nhiên là của nhân vật
do cô thủ vai, các bà các cô đã sụt sùi, lệ rơi từng giòng,
có bà ra khỏi rạp mà mắt còn đỏ hoe, trong số đó có bà mẹ
của Chuông Rè. Thứ hai đầu tuần sau phần điểm danh thường tới
mục dò bài, cô giáo cầm cái thước dài đi lên đi xuống, nhìn
từ bàn đầu đến bàn cuối, từ dãy bên này đến dãy bên kia. Cô
cầm cây thước nhịp nhè nhẹ, chầm chậm vào lòng bàn tay trái
ra chiều suy nghĩ, lúc này không trò nào muốn cô nghĩ tới
mình, ai cũng tránh cái nhìn của cô, bỗng cô chỉ vào Chuông
Rè:

-Em này.

-Dạ…

-Em, lên bảng.

Chuông Rè từ từ đứng lên, bước chân sao mà nặng nề quá! Cô
giáo chỉ cây thước về phía tấm bảng đen:

-Quay mặt xuống các bạn, hôm nay theo thời khóa biểu có môn
Học thuộc lòng. Em đọc bài Mẫn Tử Khiên trong Nhị thập tứ
hiếu cho cô. Cả lớp im lặng! Cô nhịp mạnh cây thước xuống bàn
khi vừa dứt hai tiếng “im lặng”, cả lớp im re.

-Đọc đi.

Chuông Rè đằng hắng giọng:

-Mẫn Tử Khiên, Mẫn Tử Khiên….e…hèm…et..ẹt..Mẫn Tử Khiên…

-Đó là đầu đề, em đọc vào bài cho cô.

-Thưa cô…em..e…ét…ẹt…um…ưm…thưa cô….

-Đọc đi, đừng thưa gởi gì hết.

-Thầy Mẫn Tử…..thầy Mẫn Tử ..a..a..ơ…um…thầy Mẫn Tử….

Cô giáo không kìm được cơn giận:

-Thầy Mẫn Tử làm sao?

-Dạ, dạ thầy Mẫn Tử…

Có giọng trò nào ngồi đầu bàn nhắc: rất đường hiếu nghĩa,
nhanh như chớp Chuông Rè đọc to tuy giọng không được tự tin cho
lắm:

Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa

Xót nhà Huyên quạnh quẽ đã lâu

Thờ cha sớm viếng khuya hầu

Chẳng may gặp phải mẹ sau….. ơ..ơ…um…mẹ sau…ẹt
..ẹt..mẹ sau…

-Mẹ sau tức là mẹ ghẻ…

-Dạ phải.

Có nhiều tiếng cười khúc khích, cô giáo cau mày hỏi trò nào
cười nhưng không một tiếng trả lời, cô nhìn Chuông Rè với ánh
mắt giận dữ pha lẫn chút thất vọng:

– Tại sao em không học bài? Hôm qua đi coi cải lương phải không?
Tới quỳ ở góc kia.

Trống báo giờ ra chơi vang lên, cả lớp nhao nhao như ong vỡ tổ,
cô giáo ra lệnh:

-Kim Chung cứ quỳ ở đó, cầm vở học cho tới khi nào thuộc
mới được đứng lên. Tất cả các em, ra chơi!

Ngày hôm sau mấy đứa con trai bên lớp NhấtB ôm eo nhau giả làm
chiếc xe quảng cáo, kiểu xe thường được chủ rạp cho chạy
khắp phố phường để quảng cáo khi có đoàn cải lương hay đoàn
ca-vũ-nhạc-kịch về diễn. Đứa đứng đầu khuỳnh tay như đang
cầm vô lăng, đứa đứng giữa làm thân xe, đứa sau chót đưa tay
lên miệng làm loa, tiếng loa rao: đồng bào chú ý, đồng bào
chú ý! Hôm nay có đoàn cải lương Tiếng Chuông Rè –Miền Trung
về diễn một đêm duy nhất tại rạp Cộng Hòa, chúng tôi trân
trọng kính mời bà con cô bác đón xem vở Lệ thấm sân trường,
tuồng mới, tuồng mới….

Bóng thầy hiệu trưởng thấp thoáng khiến loa im bặt, chiếc xe
rã ra, vô lăng ngồi xuống đất giả bộ bắn bi, thân xe mở vở ra
ôn bài trông thật là ngoan. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vài
phút nhưng biệt danh Chuông Rè thì theo nàng cho đến tận ngày
nay khi Khanh đang nhìn ngắm nàng với ánh mắt thương yêu và bên
tai như còn văng vảng tiếng loa ngày nào.

-Khanh đang nghĩ gì mà cười một mình vậy?

-Khanh nhớ tới thời niên thiếu. Thuở đó chúng ta thật hồn nhiên.

-Em vừa tìm được cuốn lưu bút của năm Đệ Lục, mẹ em bỏ vô
thùng sách cũ của gia đình nên mới còn. Em đem về nhà mình
rồi nhưng chưa  đọc lại, mấy mươi năm rồi không nhớ hồi đó
bạn bè đã viết gì. Hôm nào Khanh ghé nhà em  mình sẽ cùng
đọc, chắc cảm động lắm.

Khanh và Kim Chung cùng học lớp Nhất A ở tiểu học, lên trung
học chỉ được học chung tới lớp Đệ Tứ thì gia đình Khanh
chuyển vô Sài Gòn sinh sống. Hai người thỉnh thoảng vẫn thư
từ cho nhau nhưng mãi cho đến khi Kim Chung lên đại học họ mới
có dịp gặp lại tuy không  thường xuyên vì lúc đó Khanh đang
làm thủ tục du học nhưng cà hai đều thầm biết mình là nhân
vật chính trong cái gọi là “tình bạn bí mật” kia. Trước
ngày lên đường Khanh rủ Kim Chung đi uống nước, cả buổi tối
ngồi bên nhau họ đã không nói được gì nhiều, mà có gì nhiều
để mà nói. Khanh chưa từng đưa đón nàng như đã từng mỗi
chiều chầu chực trước cổng trường Saint Paul để đón cô em gái
dễ thương của Tùng và công tác tình nguyện này chỉ chấm dứt
khi Tùng thông báo thi xong Tú Tài cô em sẽ lên xe hoa, chú rề
là trưởng nam của một thương gia giàu có, nói tới tên ông cả
Sài Gòn này hầu như ai cũng biết. Khanh buồn cả tháng nhưng
rồi mọi việc cũng qua nhanh khi người ta còn rất trẻ.  Khanh
cũng không say mê Kim Chung như anh đã từng say mê cô đào xi- nê-
ma đẹp lộng lẫy sống gần nhà chị họ anh ở đường Trương Minh
Giảng. Khanh chỉ biết rõ một điều là anh rất quý Kim Chung,
ở bên nàng anh cảm thấy lòng mình thảnh thơi, yên lành và
nhất là dù ở đâu mỗi khi nghĩ đến nàng là anh mỉm cười,
mỉm cười một mình. “Đồ khùng” bạn Khanh đã nói vậy khi bắt
gặp anh tư nhiên cười mà là cười mỉm mới gai tinh chứ. Đêm đó
đưa Kim Chung về Khanh nói có lẽ anh sẽ phải xa Sài Gòn rất
lâu vì gia đình muốn anh  xong tiến sĩ mới về nước. Kim Chung
dặn dò anh nào là cố gắng học, cố gắng giữ gìn sức khỏe,
cả hai tuyệt nhiên không nói gì đến những tình cảm đã dành
cho nhau từ thưở niên thiếu cho tới tận bây giờ. Nhưng sao lại
phải nói cho nhau? Tình cảm đó hiển nhiên, rõ như ban ngày
thì cần gì phải nói. Bạn của nhau, quá đúng! Quý mến nhau,
cũng đúng luôn! Không ai có thể phủ nhận, không ai có thể xen
vào, thế thì nói làm chi? Nói làm chi cho dư cho thừa, cho
thành vô duyên vô dùng! Hai người cứ im lăng đi bên nhau và khi
đứng trước cổng nhà mình, Kim Chung  cầm tay Khanh khẻ khàng
“Kim Chung sắp đính ước với một người, việc này tuy do cha mẹ
đôi bên sắp đặt nhưng Kim Chung cũng có cảm tình với người
đó. Sang năm anh ấy ra trường thì hai gia đình sẽ tổ chức lễ
hỏi”.

Sau này mỗi lần nhớ tới cái đêm chia tay ấy Khanh cho rằng
cái bằng tiến sĩ anh nói ra như là một mục tiêu phải đạt
được cũng “dở ẹc” như cái lễ hỏi mà Kim Chung đã lí nhí khi
cầm tay anh .

Lần trước về thăm gia đình Khanh tìm lại bạn bè cũ, hỏi thăm
tin tức Kim Chung thì được biết chồng nàng đã qua đời, nàng
đang sống với con gái. Khanh vội tìm đến địa chỉ thì Kim
Chung đã dời đi nơi khác. Lần này Khanh có nhiều thời gian hơn
nên dự định sau một tuần dành cho gia đình, anh sẽ đi tìm Kim
Chung, nếu bạn bè người quen không biết Kim Chung đang sống ở
đâu thì Khanh sẽ đăng báo. Nhưng đăng báo làm gì, cứ đến
trước cung điện ngày xưa của chàng thiếu niên 16 tuổi tức là
tòa nhà bưu điện ngày nay mua thiệp giáng sinh là gặp liền.
Khanh mỉm cười.

-Sao tự nhiên lại mỉm cười? Kim Chung hỏi.

Làm sao Chuông Rè biết được Khanh thường mỉm cười mỗi khi
nghĩ đến nàng hay bất cứ những gì liên quan tới nàng. Tìm
hoài không được, tự dưng tới bưu điện lại thấy hỏi ai không
vui, mà đã vui thì phải cười. Chỉ đơn giản vậy thôi, thắc
mắc làm chi hả em yêu. Nghĩ thầm vậy  Khanh lại mỉm cười.
Ngày xưa bạn bè anh nói rất đúng: “đồ khùng”.

Khanh đưa Kim Chung về, khi xe taxi dừng lại ở đầu con ngõ nhỏ,
đầu hơi nghiêng nghiêng, mắt hơi nheo nheo, nàng chỉ tay về phía
trước:

-Căn nhà nhỏ màu trắng xám là nhà em. Bông giấy đầy mái hiên
nhưng không phải do em trồng mà là bông của hàng xóm bò qua.

-Chỗ này yên tỉnh, thích quá!

Khi vô tới phòng khách Khanh thấy ảnh một người đàn ông được
treo trang trọng trên tường, gương mặt cương nghị cùng ánh mắt
sáng ngời của người trong ảnh khiến Khanh buột miệng “đẹp
quá”. Kim Chung nói, giọng pha chút hãnh diện:

-Anh Tuyên, chồng em.

Nghe cách giới thiệu người ta có thể hiểu lầm là người
chồng chỉ đang đi vắng nên Khanh cảm nhận được tâm tư của
nàng, một người đàn ông như thế kia làm sao vợ anh ta không
yêu, không thương nhớ dẫu anh ta qua đời đã lâu.

Khanh nói sơ qua về hoàn cảnh gia đình của mình, vợ chồng anh
đã không còn sống với nhau từ nhiều năm, thủ tục li dị đã
được hoàn tất, con trai anh ra riêng từ năm 21 tuổi…

-Còn Khanh đang làm cho tập đoàn…

-Sao biết?

-Thì biết chớ sao!

Khanh vui khi nghĩ Kim Chung cũng đã tìm anh, người ta có dò la
tin tức mới biết chuyện của mình rõ như thế, lòng càng hân
hoan khi nghe Kim Chung mời anh đến ăn cơm cùng mẹ con nàng.

-Chiều chủ nhật hả em?

-6 giờ nghe anh.

Thôi rồi, không còn “tui với trò” của những tháng ngày ở
tỉnh lẻ, không còn “Khanh và Kim Chung” của thời sinh viên, vậy
là vai vế đã được xác lập kể từ hôm nay.

Khi về đến nhà Khanh thấy mẹ lom khom bên bụi trúc, anh sà
xuống ôm vai mẹ:

-Mẹ đang làm gì vậy?

-Đi đâu về mà mặt mày hớn hở như đứa trẻ được quà vậy con?

Sao mẹ nói mình hớn hở? Khanh ngạc nhiên định hỏi mẹ nhưng
cũng vừa thoáng nghe đâu đây âm thanh của tiếng chuông từ xa
vọng lại,  không phải tiếng chuông chùa cũng không phải tiếng
chuông nhà thờ, thôi đích thị là tiếng chuông vàng rồi. Tối
đó tiếng chuông xa lắc xa lơ kia cùng đi vào giấc ngủ với
người đàn ông trung niên nhưng dưới cái nhìn của mẹ thì mặt
mày hớn hở như đứa trẻ được quà.

 

.  .  .  .
.  .  .  .  .

Ăn cơm xong Kim Chung pha cà phê, nàng nói:

-Ở ngoài hiên có cái bàn nhỏ, mình sẽ mang cà phê ra đó, hôm
nay 16 trăng sáng lắm.

Con gái Kim Chung bưng bộ bình trà, khi đi ngang qua Khanh cô bé
tủm tỉm cười:

-Hồi chiều mẹ con nói tối nay sẽ cho bác đọc lại cuốn Lưu
Bút Ngày Xanh, nhưng con nghĩ ngoài hiên không đủ ánh sáng. Hay
là bác và mẹ cứ ngồi ngoài đó ngắm trăng, con ngồi ngay bàn
học gần cửa sổ đọc giùm.

-Cám ơn con, nhưng….

-Bác cho con góp một chút công sức, lâu lắm rồi con mới được
nhìn thấy mẹ vui.

Như vậy là Kim Chung đã sống trong buồn tẻ cô quạnh và chỉ
vui kể từ khi hai người gặp lại. Khanh thấy lòng mình chùng
xuống, anh đến bên nàng nóí khẻ:

-Đưa anh.

Chỉ là 2 tách cà phê trên chiếc khay nhỏ nhưng khi trao cho anh,
Kim Chung có cảm giác như đã trao cho anh cả phần đời còn lại
với sự tin cậy tuyệt đối. Anh chỉ nói vỏn vẹn 2 tiếng “đưa
anh” nhưng nàng biết rõ kể từ giây phút này cùng với người
đàn ông này nàng đã có được những thứ mà mọi người luôn ra
sức truy tìm: niềm tin và tình yêu. Hai điều vô giá đó đang ở
đây, trong căn nhà nhỏ này.

Khanh kéo ghế ngồi đối diện Kim Chung, anh khuấy nhẹ ly cà
phê cho nàng:

-Em uống đi, còn đắng thì anh bỏ thêm đường. Ngồi ngoài hiên
có giàn bông giấy thơ mộng quá. Đúng là một đêm trăng thanh
gió mát, ước gì….

-A lô, a lô…hai người im lặng cho con thông báo, cuốn sổ mà mẹ
gọi là Lưu Bút Ngày Xanh là một cuốn sổ 100 trang, bìa cứng.
Nhìn chung thì quá cũ, có vài chỗ bị gián gặm. Bên trong
chữ nghĩa tuy phai màu nhưng vẫn còn đọc được.

Kim Chung nôn nóng:

-Con đọc đi, từng trang…. từng trang theo thứ tự nghe con!

Cô gái lấy giọng:

-Ôi! Hai tiếng hè về nghe sao não nề quá! Hàng phượng vĩ
ngoài sân nở hoa báo hiệu mùa hè đã đến. Phải xa nhau 3
tháng nhưng với chúng mình như 3 thế kỷ. Đừng quên nhau nhé!
Ký tên Đào Thị Phương Mai. Trời ơi! Em gái này hình như viết
hơi quá, làm gì có chuyện 3 tháng xa bạn bè cùng lớp mà
thấy dài như 3 thế kỷ.

-Con à, những người này là bạn học của mẹ sao con lại kêu
các cô các bác ấy là em gái.

Cô phụng phịu nói:

-Trong hình chỉ là một cô bé, tuổi nhỏ hơn con thì con phải
kêu vậy mới hấp dẫn chứ.

Nhà Phương Mai có xưởng đóng hòm.  Khanh nhớ hồi đó thằng Vũ
thường khoe với bạn bè là số nó luôn được mấy người lớn ưu
ái, mỗi lần mẹ nó kêu qua nhà hàng xóm mua chục trứng lần
nào bà cụ nuôi gà cũng thêm riêng cho nó một quả. Nếu mẹ nó
sai đi xuống Chợ lớn lấy hàng, mẹ Vũ có gian hàng nhỏ bán
đủ thứ lặt vặt cho dân trong xóm, thì y như rằng các bà bán
sĩ đều thêm cho nó,  như mua dụng cụ học sinh thì nó được
một cây bút chì màu, mua kẹo thì được cho thêm một viên ăn
ngay tại chỗ. Lần nọ nghe tin ông ngoại Vũ bị bệnh nặng,
thằng Tịnh hiến kế: “Ông ngoại mày tuổi già sức yếu chắc
không qua khỏi con trăng này, ba mẹ mày nên chuẩn bị trước thì
hơn. Thí dụ như lo mua đất, mua hòm….mà tao nói thiệt nghen,
nên mua hòm của xưởng mộc nhà con Phương Mai, quan trọng hơn
nữa là ba mẹ mày phải nhớ dắt mày theo”. Chi vậy? Thằng
Tịnh lên giọng kẻ cả khi nghe thằng Danh hỏi: “Mày ngu quá,
bạn học cùng lớp thì cha mẹ con Phương Mai cũng sẽ bớt cho
chút đỉnh, còn dắt thằng Vũ đi theo thể nào họ cũng thêm cho
nó một cái hòm nhỏ, mày không nhớ nó thường kể cho bọn
mình nghe là nó có số được tặng thêm mỗi khi đi mua cái gì
đó hay sao.”  Cả đám cười rú lên như bị ma nhập, thằng Vũ
không nói gì nhưng từ đó chỗ nào có  thằng Tịnh là không có
thằng Vũ. Tình bạn của hai đứa đã bị chôn theo chiếc hòm
nhỏ rồi.

-Trời ơi! Có hình nữa nè. Em gái này mặc áo đầm hoa, tóc
bum bê, lại còn cột nơ nữa chứ, điệu quá. Có hai câu thơ,
chắc là thơ con cóc:

Hè về,  hai tiếng thê lương

Người đi kẻ ở hai đường chia xa

-Ủa, nghỉ hè thì tất cả học sinh cùng nghỉ sao lại có
chuyện người đi kẻ ở? Khanh thắc mắc.

Kim Chung cười:

-Em cũng không biết, có thể là một người về quê một người ở
lại nhưng không đến nổi “thê lương” như Học Khứu đã viết. Tóc
bum bê là Học Khứu, cái tên thật lạ nên em cứ nhớ hoài.

-A lô…a lô…bây giờ là một cu cậu tóc ca-rê, nét mặt có vẻ
hiền lành, cu viết: Kim Chung thân mến, năm học qua thật nhanh,
mới ngày nào chúng mình còn bở ngỡ làm quen mà nay phải
chia ly. Hè về! Hè về! Sao hai tiếng hè về nghe buồn quá! Xin
mùa hè trôi qua thật nhanh để chúng ta được trở lại học hành
dưới mái trường thân yêu. Gởi tặng Kim Chung bài thơ mình đã
sáng tác trong lúc buồn nhớ.

-Buồn nhớ ai?

-Thì mẹ con chứ còn ai vô đây. Thi sĩ tên gì vậy con? Khanh cười lớn.

-Dạ tên là Trần Đình Phu.

Khanh cười lớn hơn, thi sĩ của lớp đây rồi. Phu là học sinh
nhỏ nhất lớp, nhỏ tuổi lại nhỏ con nên bị bạn bè đặt là
“Đẹt”. Phu hiền lành nhỏ nhẹ lại nhút nhát nên hay bị mấy
bạn chọc ghẹo và Khanh thường là người bênh vực che chở cho
Phu. Năm học Đệ Thất có lần Phu bị bệnh rất nặng, nghe người
lớn nói là thương hàn nhập lý, hồi đó bệnh này được cho là
một trong những bệnh nguy hiểm, không chạy chữa kịp thời xem
như cầm chắc phần chết. Cả lớp tới thăm thấy cảnh Phu nằm
im, thân hình khô đét chỉ còn da bọc xương. Đám con gái khóc
thút thít, mấy đứa con trai thường trêu chọc “Đẹt” thì lặng
im cúi đầu, nếu Phu không qua khỏi thì tụi nó ân hận suốt
đời. Lúc ra về bọn con trai nghéo tay hứa từ nay sẽ không ăn
hiếp người bạn nhỏ nữa. Nghe nói mẹ Phu nguyện nếu con lành
bệnh bà sẽ dẫn Phu tới chùa Thầy Năm xin quy y, bà nguyện ăn
chay niệm Phật ba năm, ngày rằm mồng một nguyện vô chùa làm
công quả. Hơn một tháng sau Phu lành bệnh nhưng thân hình còm
cỏi, tóc rụng lưa thưa trông thật thảm hại, nhưng thôi còn
sống là phước đức lắm rồi. Thứ hai khi học trò vô lớp thì
đã thấy Phu ngồi sẵn đó rồi, thân hình nhỏ thó như đang bơi
trong cái áo rộng thùng thình và thật ngạc nhiên, đầu Phu
trọc lóc, thì ra lúc dắt Phu tới chùa thầy trụ trì đã ra
lệnh cạo trọc, thầy nói tóc còn loe ngoe ba sợi thì giữ lại
làm chi, hơn nữa cạo đầu coi như đoạn tuyệt với cái quá khứ
ốm đau kia. Khanh thấy Phu giống như chú tiểu mà là chú tiểu
tí hon, trông buồn cười nhưng cũng có phần ngộ nghĩnh dễ
thương. Các bạn đã nghéo tay hứa rồi nên Phu được yên, chú
tiểu nhỏ ngồi đó, im lặng như đang ngồi thiền. Cô giáo bước
vào, cả lớp đứng dậy chào theo tiếng hô của lớp trưởng, cô
ra hiệu cho phép học sinh ngồi xuống rồi mở sổ điểm danh, cô
dõng dạc kêu từng tên:

-Mỹ An

-Dạ có

-Ngọc Nga

-Dạ có

-Kim Chung

-Dạ có

……

-Nguyễn Thanh Danh

-Dạ có

-Phan Khoa Khanh

-Dạ có

-Trần Đình Phu

-Mô..ô..ô..  Phật, có bần tăng.

Cả lớp bật cười nghiêng ngã, cô giáo cũng cười, chớ ai mà
nhịn cho được. Chú tiểu nhỏ bé cúi đầu cam chịu trông thật
tội nghiệp. Thằng Tịnh vẫn không bỏ được cái tính hay chòng
ghẹo bạn bè, vậy mà hôm trước còn dám nghéo tay thề thốt.
Cô giáo mím miệng làm mặt nghiêm, mặt cô nghiêm nhưng mắt cô
thì không, cả lớp đều thấy như vậy mà. Cô nói:

-Các em, tất cả chúng ta mừng bạn Phu đã vượt qua cơn bạo
bệnh, cô muốn các em giúp Phu chép đầy đủ bài vở bị mất
trong thời gian nghỉ học. Bây giờ mở sách địa lý ra, trang….

Kim Chung lay lay vai Khanh hỏi anh còn nhớ chuyện Phu quy y
không, Khanh nói anh nhớ rất rõ và tha thiết muốn được gặp
Phu, muốn biết hiện nay Phu sống như thế nào, nếu gặp khó
khăn anh sẽ giúp đỡ như ngày xưa anh vẫn luôn là chỗ dựa của
Phu. Kim Chung cười:

-Anh ơi! Không có cơ hội cho anh làm Lục Vân Tiên đâu.

-Phu chết rồi sao? Giọng Khanh thảng thốt.

-Còn sống và đang sống trong nhung lụa. Chú tiểu của chúng ta
bây giờ là tỉ phú, chủ nhân của 3 khách sạn, 4 biệt thư, 1
công ty xuất nhập khẩu….

-Hả?

-Chưa hết, Đẹt nhà ta cưới một cô hoa hậu, chồng đứng chỉ cao
tới vai vợ nhưng vợ luôn tỏ ra khép nép, hiền ngoan thì đủ
biết chồng có uy đến mức nào.

Cô con gái Kim Chung hồ hởi:

-Con sẽ ráng dán mấy chỗ giấy rách để đọc được nguyên văn
bài thơ ông tỉ phú đã sáng tác cho riêng mẹ rồi chép lại
thật ngay ngắn, sạch sẽ….

-Để làm gì? Kim Chung hỏi vọng vào.

-Để gởi đến cho bác ấy, biết đâu đọc xong bác ấy nuối tiếc
cái thời thơ ấu đã qua, cảm động quá phải tìm cho bằng được
mẹ và bác.

Khanh đặt tay mình lên tay Kim Chung, xoa xoa:

-Con ơi, nếu có tìm thì tìm mẹ chứ tìm bác làm gì, có
phải không em?

-Anh kỳ quá, đọc trang tiếp theo đi con.

-Vậy là bỏ qua bài thơ của tỉ phú, trang tiếp theo được trang
trí rất công phu, bốn góc có bốn chùm hoa màu đỏ, giữa trang
có giòng chữ lớn: MÙA HUYẾT PHƯỢNG. Huyết phượng là gì vậy
mẹ?

-Hoa phượng màu đỏ nên hồi đó học trò thường dùng từ “huyết
phượng”để làm tăng ý nghĩa đau buồn của sự chia ly.

-Trời đất, con nghe nói ngày xưa học trò được nghỉ suốt ba
tháng hè con đã ngạc nhiên rồi mà bây giờ đọc những gì được
viết cho nhau trước khi nghỉ hè con thật không hiểu nổi. Thôi
để con đọc cho nghe: Kim Chung ơi, nhìn hoa phượng rơi lả tả
trong sân trường chị biết mùa chia tay sắp đến. Có lẽ đây là
mùa hè cuối cùng của chị. Màu phượng đỏ như đang nhuộm thắm
cả bầu trời, nó giống như màu máu đang nhuộm con tim đau khổ
của chị. Vĩnh biệt em, người bạn nhỏ yêu dấu. Ủa, sao lâm ly
bi đát dữ vậy mẹ?

Khanh cũng ngạc nhiên:

-Sao lại là mùa hè cuối cùng, làm gì đến nổi máu nhuộm
thắm con tim, em thấy bạn nào đó có cường điệu quá không?

-Em biết ai rồi, đó là chị Lệ Nghi, hồi đó chị có tâm sự
với em là hết năm học cha mẹ chị ấy bắt về quê lấy chồng.
Chị nói chị muốn học lên cao để mai mốt thi vô Sư Phạm ra
trường làm cô giáo chứ không muốn về quê làm vợ anh nông dân.

-Học mới Đệ Lục mà lấy chồng là sao?

-Đệ Lục là lớp mấy hả bác?

-Lớp 7.

-Anh không biết nên nói vậy chứ chị Lệ Nghi tuy học cùng lớp
với mình nhưng chị lớn hơn mình đến mấy tuổi. Sau chiến tranh
có nhiều người bị học trễ vài năm, em nhớ chị Lệ Nghi lúc
đó độ 16. Về quê một năm sau là coi như yên bề gia thất.

-Chị Lệ Nghi đã yên bề gia thất vậy con đọc trang tiếp theo nè.

Kỷ niệm mùa hè.

Tiếng ve kêu râm rang,

Hoa phượng nở đầy đàng,

Mây buồn giăng khắp lối,

Một mùa hè sắp sang…

Thế là sắp chia xa phải không Kim Chung? Mình sẽ không bao giờ
quên tình đồng môn của chúng ta. Đời học sinh thật là thơ
mộng. Thời gian ơi, xin đừng làm phai nhạt những kỷ niệm êm
đềm của những tâm hồn bé bỏng, ngây thơ. Hẹn tái ngộ sau 90
ngày xa cách. Ký tên Lê Bình, lớp Đệ LụcA2.

-Hơi sến nhưng thấy cũng vui vui.

Tiếng cô gái cười giòn tan:

-Bác ơi, mẹ ơi, dưới tên Bình có ai đó đã ghi thêm chữ “bể”
như vậy tên là Bình mà biệt danh là Bình Bể phải không?

Khanh cười phụ họa:

-Em thấy chưa, hồi đó đứa nào cũng bị gán cho một biệt danh
kèm theo, thí dụ như Phu Đẹt, Bình Bể, Bích Ngọc sếu, Học
Khứu bum bê, Chuông R..r..r…nhưng Khanh kịp dừng lại, hú hồn hú
vía.

Hồi đi học đứa nào không bị đặt “biệt danh” thì cũng bị kêu
kèm theo tên cha mẹ. Mai Lan thì là Lan Vĩnh Thịnh vì nhà có
cửa tiệm hiệuVĩnh Thịnh, Long là Long con anh Phước chị Tám
vì ba nó tên Phước mẹ nó thứ tám. Có lần thằng Tịnh tới
nhà thằng Hùng chơi, cha mẹ Hùng có tiệm mộc chuyên đóng
giường tủ, bàn ghế và một vài thứ thiết bị cho trường học
nên trong sân lúc nào cũng chất đầy các loại gỗ, ván. Ba
thằng Hùng thường đi giao dịch với các huyện xa nên mọi việc
mua bán ở nhà một tay má thằng Hùng lo liệu. Vừa bước tới
giữa sân, thằng Tịnh theo thói lanh chanh tưởng mình đang ở
trong sân trường nên dõng dạt kêu:

-Có con bà Tám Bạn ở nhà không?

Mẹ thằng Hùng xuất hiện, thằng Tịnh mặt cắt không còn giọt
máu, Tám Bạn là tên ba thằng Hùng, thôi chết chắc rồi, nó
lắp bắp:

-Thưa bác…thưa bác…

Mẹ thằng Hùng hất hàm:

-Cậu vừa nói gì, tôi muốn biết cậu vừa hỏi ai. Tám Bạn nào?

Thằng Tịnh ấp úng:

-Dạ cháu hỏi…cháu ..hỏi ở dây…có ..còn ..bán tấm bảng
không. Bảng để treo trên tường của lớp.

Cái thằng thiệt lanh, Có Con Bà Tám Bạn nó trớ thành Có
Còn Bán Tấm Bảng. Nó thoát nạn nhưng kể từ đó nó không dám
tới  nhà tìm “Hùng Tám Bạn” nữa.

Kim Chung đi vòng qua chỗ Khanh ngồi để đóng bớt một cánh cửa
sổ vì trời bắt đầu trở gió . Khi nàng quay lại Khanh giữ Kim
Chung sau lưng anh bằng cách vòng hai cánh tay ra sau ôm ngang eo
nàng. Cô con gái lên tiếng, giọng có vẻ uể oải:

-Gần buồn ngủ rồi, con chỉ đọc thêm một trang nữa thôi, phần
còn lại để kỳ sau nghe mẹ.

Không đợi trả lời cô cầm cuốn sổ giơ lên ánh đèn:

Trời hồng hồng sáng trong trong,

Ngàn phượng rung nắng ngoài song…

Hè về rồi đó, thế là chúng ta sắp phải xa nhau, ba tháng
rời xa ngôi trường cùng thầy cô bạn bè thân yêu, buồn lắm bạn
ơi! Tiếng ve sầu rả rích như tiếng lòng ai đang than thở, thôi
mình không thể viết nhiều vì mình sắp khóc đây. Mãi mãi nhớ
nhau nhé! Hẹn ngày tái ngộ.

-Ai mà “mít ướt” vậy? Khanh cười lớn.

-Để con soi đèn mới thấy vì chữ hơi mờ, tác giả là Phan
…Phan..kế tiếp là chữ K nhưng là gì nữa thì con chưa biết vì
đoạn này bị chuột gặm, rồi..rồi…đọc được rồi, tên là Phan
Khoa Khanh, chữ ký đẹp như rồng bay phượng múa nhưng ngay sau
chữ ký có ai đó viết thêm bằng mực đỏ: trò Khanh thò lò
mũi xanh.

Im lặng… rồi im lặng. Kim Chung vẫn đứng sát sau lưng Khanh.
Trời trở lạnh. Tự nhiên Kim Chung dang hai tay ôm ngang ngực
Khanh và khi nàng nghiêng đầu tựa  vào vai anh, Khanh nghe tiếng
chuông ngân bên tai, vang lên từng âm rõ ràng: Thò lò mũi xanh
ơi, em yêu anh… rất nhiều….

Huỳnh Thị Thùy Hạnh
Xuân Canh Dần 2010{jcomments on}

0 thoughts on “Lưu Bút Ngày Xanh

  1. Quốc Tuyên

    Chào chị Thùy Hạnh , bài viết hay và dễ thương chi lạ .
    Anh Lệnh vào Hương Xưa đã lâu mà hôm nay chị mới ghé thăm .Giận chị đó hu hu hu.

    Reply
  2. Lê Huy

    Chào Baloo…
    Bi giờ Baloo mới chịu vô đây chơi há ! Vui quá !
    Ít bữa nữa Baloo nhớ đưa AD vô đây chơi luôn nha ! Chờ !
    Thân Ái Bắt Tay Trái Baloo,
    AD

    Reply
  3. TRANKIMLOAN

    Nhìn hình minh họa tập lưu bút làm mình nhớ đến tập lưu bút của mình ghê!mình luôn mang theo bên mình dzậy mà lúc chạy loạn 1975 mình đã để thất lạc mất ti6c1 ui là tiếc……
    Bài viết rất dễ thương & hay lắm HTTH à!

    Reply
  4. Tuệ Minh

    Nhờ lưu bút ngày xanh mà đôi bạn xưa có cơ hội được …yêu nhau .
    Văn dễ thương như thuở mười sáu tuổi , tuổi của lưu bút ngày xanh .

    Reply
  5. nguyentiet

    Chỉ là 2 tách cà phê trên chiếc khay nhỏ nhưng khi trao cho anh,
    Kim Chung có cảm giác như đã trao cho anh cả phần đời còn lại
    với sự tin cậy tuyệt đối. Anh chỉ nói vỏn vẹn 2 tiếng “đưa
    anh” nhưng nàng biết rõ kể từ giây phút này cùng với người
    đàn ông này nàng đã có được những thứ mà mọi người luôn ra
    sức truy tìm: niềm tin và tình yêu. Hai điều vô giá đó đang ở
    đây, trong căn nhà nhỏ này.

    Bài viết hay và dễ thương quá, dễ thương như câu chuyện ngây ngô của tuổi học trò, như những trang lưu nút ngày xanh vậy.Cách viết của chị Thùy Hạnh rất tự nhiên,rất trẻ trung, viết như nói mà lôi cuốn người đọc đến lạ lùng.Một chuyện tình đẹp lắm , làm ấm lòng tuổi heo may.Cám ơn chị Thùy Hạnh đã cho đọc một bài viết như một ngọn gió nồm làm mát dịu tâm hồn vì hai thứ : niềm tin và tình yêu !

    Reply
  6. Lê Huy

    “… … …
    Trong Đặc San Cường Để – Nữ Trung Học Quy Nhơn 2010, đọc bài Lưu Bút Ngày Xanh của tác giả Huỳnh Thùy Hạnh, thấy vui vui têu tếu, gặp chị Oanh tôi hỏi Huỳnh Thùy Hạnh là ai vậy, chỉ nói: “Là con Hạnh đó” – “Vậy sao… Hèn gì… ”. Hôm nay gặp Baloo tôi kể lại chuyện này rồi nói:
    – Vậy Baloo là cô hàng xóm gần xịt của tui đó nghen.
    – Sức mấy mà gần xịt, anh ở tuốt trên kia mà.
    – Sao mà sức mấy… Tui ở tuốt trên kia nhưng bây giờ là rể của xóm này thì nói gần xịt là đúng rồi.
    … … … ”.
    (Gặp Lại Baloo – Lê Huy)

    Reply
  7. Dạ Lan

    Sau nhiều năm đôi bạn cũ gặp nhau cùng coi lại tập vở ngày xanh
    và tình xưa được hâm nóng lại bố cục không có gì mới nhưng cánh viết rất dí dỏm đáng yêu giống cách viết của Lê Huy chắc hai người cùng học một trường .

    Reply
  8. Thùy Hạnh

    Cám ơn các bạn đã dành nhiều tình cảm cho Rè.
    Thân chúc tất cả luôn được an vui và hạnh phúc.

    Reply
  9. Văn Công Mỹ

    Xin chào và bắt tay trái với Baloo. Sói con rất vui khi Baloo đã bắt đầu kể cho bà con Hương Xưa nghe những kỷ niệm xưa.

    Reply
  10. HOANGKIMCHI

    Bài viết vui, kết thúc có hậu và dễ thương lắm, cảm ơn Thùy Hạnh nhiều nhé.

    Reply
  11. Diệu Huyền

    Thò lò mũi xanh được Chuông Rè tỏ tình rồi , kết cuộc quá dễ thương .Chúc mừng tác giả bài viết đã đi vào lòng người .

    Reply
  12. Thu Thủy

    Chị Thùy Hạnh ui .
    Em cũng là em của chị nè hu hu hu .
    Chị viết dễ thương lắm .TT

    Reply
  13. Võ T. Phong

    Chị Hạnh kính mến,
    Đọc Lưu Bút Ngày Xanh của chị đã mấy lần, đọc lại vẫn còn thấy hay và vẫn còn một mình cười to khi chị nhắc đến “thằng Tịnh” với tặng thêm 1 cái hòm, “em gái Phương Mai” với 3 tháng hè như 3 thế kỷ , và nhất là … “Mô Phật! Có bần tăng”.
    Thuở học sinh, em có từng làm trưởng lớp, có bổn phân phải kiểm diện trước khi thầy giảng dạy hoặc hút cho hết điếu thuốc ngoài hành lang. Khi không có Thầy Cô, em kiểm diện bằng cách không đọc tên bạn bè mà lại đọc tên của ba má bạn bè, tên cha mẹ của bạn bè em hồi đó, em thuộc từ A tới Y, bạn bè giận nhưng rồi cũng quen đi. Em chỉ tưởng tụi em là nghịch hết chỗ khen, nhưng bậc đàn anh đàn chị còn hơn em út cả trăm lần vì dám cả gan gọi “Tám Bạn” ngay trước mặt Bác Tám Bạn.
    Lưu Bút Ngày Xanh của chị khác hắn với Chuyện Tình Buồn. Ngày về trong chuyện tình buồn: Thấy màu tang ngút trời, lầm bầm “thương người em năm cũ, thương góa phụ bên song” rồi có lẽ sau đó … lặng lẽ ra đi ngút ngàn. Còn Lưu Bút Ngày Xanh của chị thì không những 5 năm mà tới hai mươi mấy năm rồi không gặp … Rồi vì cái ngày xanh mà Chuông Rè dựa sát lưng Khanh thỏ thẻ: yêu thò lò mũi xanh rất nhiều .
    Ước gì em đờn hay, nhạc giỏi như anh Chiến cò, em sẽ lấy ý của Lưu Bút Ngày Xanh để viết lên Chuyện Tình Vui.
    Đọc Lưu Bút Ngày Xanh như là nghe bản Nắng Chiều, sao mà nhớ nhiều những kỷ niệm của ngày xưa quá!
    Chúc chị khỏe!

    Reply
    1. Thùy Hạnh

      Em là ai mà biết cả anh trai của chị? Hồi xưa chị em mìmh đã có dịp gặp nhau chưa? Anh trai chị quen nhiều người mà chị khi vừa lớn lên lại đi học xa nên không biết nhiều về bạn bè của anh ấy. Xin lỗi em khi chị đã không thể nhớ ra. Em đang ở đâu?
      Cám ơn em khi đã dành nhiều tình cảm cho LBNX. Chị cũng rất nhớ những kỷ niệm của ngày xưa. Không ai có thể trở về chốn cũ, phải không?
      Chúc em vui-khỏe.

      Reply
  14. Võ T. Phong

    Chị Hạnh kính mến,
    Ngày xưa, lúc mà Lưu Bút Ngày Xanh còn chuyền tay nhau mỗi lần phượng đỏ, em may được biết chị. Cùng thời ấy, anh C. từng là trưởng của em. Em không nhạc nhiên nhiều khi chị không thể nhớ ra vì em chỉ là một trong những lóc nhóc chạy lên xuống dốc Phan Đình Phùng không biết mệt, dù mưa tầm tã hay nắng chang chang. Đây cũng là chốn cũ của em đó. Không trở về được. Đúng lắm chị Hạnh! Vì ngày xanh đã nằm gọn trong lưu bút chuột gặm rồi. Cho dù hiện em đang ở thôn trên của cháu Mini, hay là chu du nơi nào sau nữa, em luôn nhớ kỷ niệm của ngày xưa.
    Chị Hạnh cho em đoán mò nghen: “Lưu Bút Ngày Xanh 2” của chị sẽ là tiếp nối đường đời của Kim Chung-Khanh và kèm theo rất nhiều kỷ niệm vui nữa. Em đang chờ …
    Chúc chị Hạnh và gia đình vui khỏe!

    Reply
    1. Thùy Hạnh

      Em đoán đúng rồi. Vậy cứ chờ nhé!
      Sẽ không bao giờ còn được chạy lên chạy xuống con dốc Phan Đình Phùng nữa vì nay PDP là một con đường bằng phẳng. Ngày xưa xuống hết con dốc là đã nghe tiếng sóng vỗ vào bờ kè, bây giờ thì…Chị nói không ai có thể trở về chốn cũ là vậy đó.
      Thân chúc em và gia đình an vui, hạnh phúc.

      Reply
  15. Võ T. Phong

    Đúng rồi chị Hạnh! Xuống cuối dốc là nghe thấy sóng vỗ. Có những chiều Đông gió lớn, lúc thủy triều lên, bọt sóng tung cao hơn cả bờ kè và nhìn thấy được qua hàng rào kẽm gai. Còn đêm Hè thì thiệt mát mẻ, nằm ngủ trên mui xe ba-lua, nhìn vạn sao mà không có 1 tiếng mũi vo ve. Tiếc quá! Chốn cũ không về được. Mà sao con dốc xưa, nay lại là con đường bằng phẳng? Chẳng lẽ những nhà ở cuối dốc lại phải cất trên nền thật cao? Em không hiểu nổi. Nhưng tóm là là dốc mơ xưa đã mất, chốn cũ cũng tiêu. May là kỷ niệm vẫn còn trong đầu hay trong lưu bút . Em mà có được quyền uy, sẽ ra lệnh “thằng Thời Gian” như thế này:
    Thời Gian! Này nhé Thời Gian:
    Thôi đừng lặng rót những dòng buồn tênh!
    Cảm ơn lời chúc tốt của chị Hạnh đến gia đình em!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.